Không có văcxin ngừa H5N1 cho chim chóc

  •  
  • 309

Chim di trú được các nhà khoa học xem là thủ phạm mang virus H5N1 lây lan dịch cúm gia cầm, nhưng VN chưa có văcxin phòng ngừa cho chúng. Các khu du lịch nuôi dưỡng những loài chim quý hiếm với mục đích bảo tồn và phục vụ du khách đang lo ngại cho số phận đàn chim quý của mình.

Làm lưới ngăn không cho chim bay vào bay ra tại Thảo Cầm Viên, TP HCM


Thảo Cầm Viên TP HCM đang nuôi dưỡng 300 con chim hoang dã với khoảng 20 loài quý hiếm. Có những loài quý hiếm, giá trị về khoa học bảo tồn rất cao, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như: trĩ sao, hiện trên thế giới chỉ còn 10 con; hoặc sếu đầu đỏ, gà tiền mặt đỏ...

Khu du lịch Suối Tiên cũng đang nuôi dưỡng khoảng 500 con chim với hơn 20 loài quý hiếm như: hồng hoàng, cao cát, ó biển, đại bàng... Trong đó, có những loài được liệt vào danh sách động vật cực kỳ quý hiếm.

Ít giá trị khoa học bảo tồn hơn, nhưng đàn chim của khu du lịch Đầm Sen có giá trị kinh tế rất lớn với hơn 80 loài chim, khoảng vài trăm con.

Nhưng tất cả chim chóc tại những nơi này đều không được tiêm ngừa H5N1 vì chưa có văcxin riêng cho chim. Nếu dịch cúm gia cầm xảy ra, tổn thất có thể lên con số hàng tỷ đồng.

"Chúng tôi đã xin Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp văcxin tiêm ngừa. Nhưng công văn trả lời từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh là chưa có văcxin phòng ngừa cho chim chóc", Phó giám đốc Thảo Cầm Viên Phan Việt Lâm tâm sự.

Chi cục Trưởng chi cục thú y TP HCM Huỳnh Hữu Lợi thừa nhận: "Cho đến nay trên thế giới cũng chỉ mới thử nghiệm thành công văcxin ngừa H5N1 trên hai loài gia cầm là gà và vịt. Chưa có thử nghiệm trên các loài khác, nên văcxin cho gà vịt không thể ứng dụng trên các loài khác được, vì mỗi loài có một đặc tính khác nhau". Còn ông Phạm Quang Thái, Giám đốc Công ty Navetco - Công ty được uỷ quyền nhập văcxin ngừa H5N1 trên gia cầm - cũng khẳng định: "Chưa nghe nói có nơi nào trên thế giới có văcxin ngừa H5N1 cho chim chóc".

Cơ quan thú y chỉ có thể hỗ trợ các đơn vị đang nuôi dưỡng các loài chim quý hiếm tự bảo vệ bằng cách yêu cầu bao lưới, cách ly khu vực chim chóc, thực hiện tiêu độc khử trùng, hạn chế khách tham quan, và lấy máu các loại chim để làm xét nghiệm định kỳ.

"Công việc lấy máu các loại chim để làm xét nghiệm đã được tiến hành từ năm 2003 đến nay, và kết quả cho đến lần gần đây nhất vẫn là âm tính. Nhân viên làm công tác chăm sóc chim sóc cũng được tiêm ngừa bệnh cúm theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới
", phó giám đốc khu du Suối Tiên, Huỳnh Đồng Tuấn cho biết. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, giá trị của đàn chim là không thể tính được bằng tiền, nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, phát hiện đàn chim có mầm bệnh thì các khu du lịch vẫn sẽ thực hiện huỷ bỏ đàn chim theo quy định chung của Nhà nước.

Mỹ Lan

Theo VnExpress
  • 309