Sử dụng điện thoại di động đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Thế nhưng, không ít người đã biến chiếc điện thoại vốn được coi là một công cụ giao tiếp văn minh thành trò đùa, quậy phá, thậm chí còn lăng mạ người khác.
Càng ngày, các hình thức quấy rối lại càng tinh vi hơn. Những kẻ quấy nhiễu đó đang góp phần làm mất đi sự văn minh trong đời sống văn hóa hội nhập. Những người là nạn nhân của trò đùa này vẫn chưa biết kêu ai.
Loạn… sim điện thoại
Hiện nay, chỉ cần bước vào những cửa hàng bán điện thoại di động và sau ít phút, bạn đã có một số thuê bao di động mới. Tại những đại lý của các hãng cung cấp dịch vụ viễn thông, việc lưu giữ thông tin cần thiết của một thuê bao mới thường là không có, chỉ trừ khi số thuê bao đã được đăng ký trả sau hoặc đăng ký chính gốc tại điểm thu trả cước phí.
Còn những dạng thuê bao khác chỉ việc trả tiền mua sim, mua card mà không phải xuất trình một loại giấy tờ nào để khai báo về thông tin cá nhân. Chính việc quản lý không chặt chẽ này đã gây không ít phiền phức cho khách hàng.
|
Cần quản lý chặt chẽ hơn để khách hàng không bị quấy rối |
Thời gian gần đây, bạn đọc lại liên tục phản ánh về tình trạng họ bị nhiều số điện thoại gọi đến quấy rối. Chị Lê Thị Thanh, ở Ba Đình (Hà Nội) phản ánh chị liên tục bị một loạt số điện thoại khác nhau nháy vào máy chị mà không nói gì.
Khi chị dùng số máy khác gọi lại vào những số máy lạ đó thì lại nhận được những lời lẽ lúc thì tán tỉnh, lúc thì chửi rủa hết sức thô lỗ, thậm chí lăng mạ chị.
Chị đã mất khá nhiều thời gian để nhờ các trung tâm mạng tra ra những số điện thoại đó mà vẫn chỉ nhận được kết quả là các số máy đó đều xuất phát từ thuê bao trả trước nên không biết được địa chỉ và danh tính của chủ thuê bao.
Còn trên diễn đàn của trang web "tretho.com", một bạn có nick "angry" cũng phải "kêu cứu" khi bị số điện thoại 0915219… liên tục gọi vào máy của bạn rồi cúp máy. Gọi lại thì chủ nhân của số máy kia không nghe mà nhắn tin lại với những lời lẽ thô bỉ, khiếm nhã.
Gần đây, một số phóng viên báo chí cũng bị những kẻ xấu nhắn tin vào máy điện thoại với những lời lẽ thô tục, thậm chí còn đe dọa hết sức vô văn hóa. Nhiều người không biết phải giải quyết thế nào với sự phiền nhiễu này, chỉ còn biết thay đổi sim điện thoại.
"Khủng bố"… để được nghe nhạc
Hiện nay, không chỉ có mạng S-Phone có dịch vụ nhạc chuông chờ khi có điện thoại đến mà một số mạng khác như Mobifone và Vinaphone… cũng đã có dịch vụ này.
Điều này làm cho người gọi có cảm giác được thư giãn khi gọi điện cho ai đó sẽ được nghe một bản nhạc thay vào những tiếng "tút, tút" kiểu cổ điển trước kia.
Thế nhưng, lại xuất hiện một số kẻ chuyên gọi vào máy của những người đặt dịch vụ đó chỉ để… nghe nhạc. Có nhiều người bị gọi vào cả lúc 1-2h sáng, bị thức giấc giữa đêm vừa bực mình lại vừa mất giấc ngủ.
Chị Dương Ngọc Anh ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, có số máy điện thoại lạ thường xuyên gọi vào máy của chị. Chị tìm mọi cách gọi lại để tìm hiểu thực hư mà vẫn không đạt kết quả gì vì số máy kia nhất định không bật máy trả lời.
Mãi đến một hôm, sau một thời gian dài "nháy" máy, số điện thoại kia nhắn tin lại cho chị một cách rất hồn nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra: "Chuyển giúp sang bản nhạc khác được không, nghe mãi bản nhạc này chán quá".
Chụp lén bằng điện thoại và những trò đùa ác ý
Bất cứ ở đâu và vào lúc nào bạn cũng có thể trở thành người mẫu bất đắc dĩ cho các tay săn ảnh lén. Gần đây, một số đối tượng đã chụp lén người khác bằng điện thoại di động rồi tung lên mạng để thiên hạ "chiêm ngưỡng" với nhiều tư thế chẳng giống ai.
Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số của điện thoại di động khiến nhiều người có thể bị xâm phạm chốn riêng tư bất kỳ lúc nào. Những khoảnh khắc không ai ngờ tới như mặc áo hai dây ra đường, bị ngã xe trong khi mặc váy, trong hồ bơi, ở phòng xông hơi, trong thang máy, thậm chí ở trong nhà tắm, nhà vệ sinh, phòng thay đồ… đều có thể bị người khác "chiêm ngưỡng" ngoài ý muốn.
Chính các cô gái, chàng trai ăn mặc hớ hênh nơi công cộng đang trở thành nạn nhân của công nghệ chụp lén. Có những trường hợp cấm như quay phim, chụp hình những người mẫu khỏa thân cho sinh viên vẽ và nặn tượng ở các trường mỹ thuật cũng đã bị chụp lén bằng điện thoại di động.
Nguy hiểm hơn, nhiều bức ảnh lén chụp này đã bị tung lên một số trang web "đen" như "thegioi…com", "gaigoi…com"… hay một số diễn đàn tự phát, đang trôi nổi không có người quản lý.
Đây là nơi tập hợp những tấm hình chụp lén các cô gái trong phút hớ hênh, kèm theo những lời bình khiếm nhã. Không chỉ bị post ảnh lên mạng, nhiều người còn bị gửi những bức ảnh này vào máy điện thoại với những lời bình thô tục.
Khi những nạn nhân của trò đùa này gọi điện đến các nhà quản lý thì cũng chỉ nhận được câu trả lời: Là số thuê bao trả trước nên không nắm được danh tính và địa chỉ. Sự việc này chỉ xảy ra vào thời gian gần đây khi các thuê bao trả trước được hỗ trợ GPRS và tin nhắn đa phương tiện.
Hành động "quấy rối" qua điện thoại di động đang ngày càng gây phiền hà và bức xúc cho những khách hàng sử dụng loại dịch vụ này một cách nghiêm túc.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động nên có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, nhất là đối với các thuê bao trả trước và cần có chế tài để nghiêm trị những kẻ "quấy rối".
Hồng Hạnh