Một "thông điệp vũ trụ" kỳ lạ từ 7 tỉ năm trước đã được kính viễn vọng không gian James Webb nắm bắt.
Theo Sci-News, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Guillaume Desprez từ Đại học Saint Mary (Canada) đã tìm thấy một dấu chấm hỏi ma quái làm bằng ánh sáng đỏ hiện lên giữa vũ trụ thông qua dữ liệu mới của kính viễn vọng không gian James Webb.
Góc nhìn này đã được kính viễn vọng lâu đời hơn là Hubble quan sát, nhưng khi đó không có dấu chấm hỏi nào hiện ra, do cấu trúc này vốn ở quá xa và ánh sáng từ nó đã bị bụi vũ trụ chặn lại trên đường đi.
Nhưng với khả năng quan sát tối tân hơn, James Webb - "trẻ" hơn Hubble hơn 30 tuổi - đã nắm bắt được ánh sáng hồng ngoại với bước sóng dài hơn. Cũng vì vậy dấu chấm hỏi có màu đỏ.
Cấu trúc dạng đấu chấm hỏi bí ẩn hiện ra từ dữ liệu James Webb - (Ảnh: NASA/ESA/CSA).
Bài nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society khẳng định đó không phải một ký tự được gửi từ người ngoài hành tinh, mà là một sự trêu đùa thú vị của tự nhiên.
Dấu chấm hỏi trong dữ liệu James Webb thật ra là một thiên hà. Các tính toán về khoảng cách cho thấy hình ảnh mà chúng ta thấy về nó thuộc về vùng không gian quá khứ tận 7 tỉ năm trước.
Nó được tìm thấy tình cờ khi các nhà thiên văn học nghiên cứu cụm thiên hà MACS-J0417.5-1154.
Cụm thiên hà khổng lồ này đóng vai trò như một "thấu kính hấp dẫn", tức nó có khối lượng lớn đến mức gây ra tương tác hấp dẫn làm cong vênh cấu trúc không - thời gian.
Khi nhìn vào các thấu kính hấp dẫn này, các kính viễn vọng giống như đang nhìn qua một chiếc kính lúp, với các vật thể phía sau được phóng to.
Điều này giúp chúng ta có thể nhìn thấy được các vật thể ở rất xa, đáng lẽ ngoài tầm mắt của kính viễn vọng. Tuy vậy, cũng như kính lúp, các thấu kính hấp dẫn đôi khi làm méo mó những thứ phía sau nó.
Dấu chấm hỏi ma quái trong hình ảnh vừa công bố là một ví dụ.
Nhóm nghiên cứu cho biết trên thực tế, phần lớn dấu chấm hỏi là một thiên hà có độ lớn tương đương thiên hà Milky Way (Ngân Hà) mà Trái Đất đang trú ngụ.
Thiên hà đỏ được phát hiện cùng với một thiên hà xoắn ốc mà nó tương tác và đã được Hubble phát hiện trước đó.
Cả hai đang được phóng đại và bóp méo theo một cách bất thường, và kết quả là thứ trông như một thông điệp hoài nghi từ vũ trụ.
Cả hai thiên hà trong cụm "dấu chấm hỏi" này đều đang hình thành sao mạnh mẽ, vốn được kích hoạt bởi sự hợp nhất đang bắt đầu.
Vì vậy có thể nói chúng ta đang quan sát chúng trong một khoảnh khắc đặc biệt, có ý nghĩa lớn đối với các nghiên cứu thiên văn.
Ngân Hà của chúng ta được cho là đã trải qua trên 20 vụ hợp nhất. Quan sát các sự việc tương tự đối với một thiên hà khá giống Ngân Hà có thể giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử thế giới của chính mình.