"Đạn đại bác" khủng khiếp nhất lao vụt qua kính viễn vọng NASA

  •  
  • 335

NASA vừa công bố hình ảnh độc đáo về IC 3225, một vật thể khổng lồ đang có hành vi khác thường ở nơi cách Trái Đất 100 triệu năm ánh sáng.

Theo NASA, IC 3225 là một trong hơn 1.300 thành viên của cụm thiên hà Xử Nữ (Virgo). Nó là một thiên hà xoắn ốc - tức cùng loại với Milky Way (Ngân Hà) mà Trái Đất trú ngụ - nhưng lại có hành vi như... sao chổi.

Trong dữ liệu được ghi nhận bởi Kính viễn vọng không gian Hubble do NASA phát triển và đồng điều hành với ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), nó như viên đạn bị phóng ra từ một khẩu đại bác, lao vút qua không gian.

Tốc độ lao mình của IC 3225 khủng khiếp đến nỗi hình dáng của nó bị méo mó, hóa thành dạng giọt nước với một cái đuôi phía sau giống sao chổi.

Thiên hà IC 3225 đang lao vút đi như một sao chổi qua tầm mắt của kính viễn vọng Hubble
Thiên hà IC 3225 đang lao vút đi như một sao chổi qua tầm mắt của kính viễn vọng Hubble - (Ảnh: NASA).

NASA giải thích rằng rằng mật độ các thiên hà trong cụm Xử Nữ tạo ra một trường khí nóng phong phú giữa chúng, được gọi là "môi trường nội cụm". Trong khi đó, khối lượng cực đại của cụm khiến các thiên hà của Xử Nữ lao quanh tâm của nó theo một số quỹ đạo rất nhanh

Đâm xuyên qua môi trường nội cụm dày, đặc biệt là gần tâm của cụm, tạo ra "áp lực đâm" rất lớn lên các thiên hà đang chuyển động, loại bỏ khí ra khỏi chúng khi chúng di chuyển.

Khi một thiên hà di chuyển trong không gian, khí và bụi tạo nên môi trường trong cụm tạo ra sức cản đối với chuyển động của thiên hà, tạo áp lực lên thiên hà.

Áp suất này - gọi là áp suất ram - có thể tước đi khí và bụi hình thành sao của thiên hà, làm giảm hoặc thậm chí ngăn chặn quá trình tạo ra các ngôi sao mới.

Ngược lại, áp suất đó cũng có thể khiến các phần khác của thiên hà bị nén lại, điều này có thể thúc đẩy quá trình hình thành sao.

IC 3225 hiện không quá gần lõi cụm và có thể đã trải qua quá trình tước áp suất ram trong quá khứ.

Nó trông như bị nén ở một bên, với sự hình thành sao rõ rệt hơn, trong khi đầu đối diện bị kéo căng ra, khiến các nhà thiên văn nghi ngờ rằng nó cũng từng chạm trán với một thiên hà khác gần đây.

Điều này đã làm gia tăng mức độ biến dạng và cũng có thể là nguyên nhân khiến IC 3225 lao vút đi dữ dội đến thế.

"Cảnh tượng thiên hà bị biến dạng này là lời nhắc nhở về những lực đáng kinh ngạc đang hoạt động ở quy mô thiên văn, có thể di chuyển và định hình lại toàn bộ thiên hà" - NASA kết luận.

Cập nhật: 31/10/2024 NLĐ
  • 335