Ở các đô thị lớn và hiện đại trên thế giới, diện tích mảng xanh, công viên công cộng hoặc không gian mở luôn đạt trung bình từ 20m2/người đến 25m2/người. Còn ở TP.HCM, đô thị lớn và hiện đại nhất cả nước, diện tích mảng xanh hiện tại chỉ khoảng 0,7m2/người.
Khu chung cư phụ trợ KCN Tân Bình, Q. Tân Phú - khang trang nhưng thiếu mảng xanh (Ảnh: TTO) |
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 7 khóa VII vừa qua, lãnh đạo ngành Giao thông công chánh và Quy hoạch-kiến trúc TP đã “rêm mình” vì các câu hỏi chất vấn gay gắt của các đại biểu về việc đưa ra dự án xây tòa nhà 54 tầng tại công viên 23-9
Nhiều đại biểu cho rằng, diện tích “lá phổi” của TP đã quá nhỏ bé trước yêu cầu phát triển đô thị và đảm bảo cuộc sống bền vững, chất lượng cao của người dân nên cần cân nhắc kỹ khi xây thêm một cao ốc trong lòng công viên 23-9 vì cao ốc không xây chỗ này thì xây chỗ khác, còn việc mất đi mảng xanh hiếm hoi của TP là mất vĩnh viễn, không thể “kiếm thêm” được. Thật vậy, công viên này (tổng diện tích hơn 9,8ha) nằm ngay trung tâm TP, là nơi thư giãn, tản bộ, tập thể dục, vui chơi hàng ngày của người dân TP.
Ngoài việc là nơi giảm stress, tái tạo sức khỏe của người dân, làm giảm tiếng ồn và thanh lọc bầu không khí bụi bặm ở nội đô, công viên này còn là một nét vẽ xanh tô điểm thêm vẻ đẹp và môi trường văn hóa đô thị, tạo thiện cảm rất lớn cho du khách trong và ngoài nước đến TP.HCM. Trước đó, người dân TP cũng “hú hồn” khi có một dự án biến một phần công viên Gia Định (nằm ở các quận Gò Vấp, Phú Nhuận vốn vừa được cải tạo lại với cây xanh lâu năm, hệ thống đường tản bộ và ánh sáng hiện đại, nhiều trò chơi thiếu nhi…) thành một khu trường học hoặc rạp xiếc.
Không chỉ đứng trước nguy cơ chực chờ bị cắt xén, các công viên khác như Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ, Phú Lâm, Tao Đàn, Hải Nam… hiện oằn mình gồng gánh thêm hàng loạt chức năng không phải dành cho người dân TP đến thư giãn, giải trí hàng ngày. Công viên Tao Đàn hàng năm phải gánh hàng chục cuộc hội chợ, triển lãm và cứ sau mỗi lần như vậy, thảm cỏ, vườn hoa nơi đây trở nên tan tác như bị bão. Bốn mặt xung quanh công viên này là hàng chục cửa hàng bán dụng cụ TDTT, nhà hàng, quán nhậu…
Công viên Lê Thị Riêng thì bị vây bốn bề bằng hàng quán, bar cà phê và là nơi các đêm ca nhạc đỏ đèn thường xuyên. Sau nhiều lần Sở GTCC TP ra quân “kiên quyết” giải tỏa các công trình xây dựng, kinh doanh sai mục đích trong công viên, tháo dỡ hàng rào xung quanh, hiện trạng các công viên hiện nay vẫn chưa mấy sáng sủa trong khái niệm thông thoáng, mở rộng không gian phục vụ đông đảo người dân vào vui chơi, thư giãn.
Không chỉ thế, trong tình hình phát triển cơ sở hạ tầng đô thị ào ạt như hiện nay, những mảng xanh đường phố vốn nhỏ nhoi càng không thoát khỏi tình cảnh bị “trảm” khi có một con đường, một đại lộ hoặc khu dân cư nào đó mọc lên. Dự án đại lộ Đông-Tây là một ví dụ. Để mở đại lộ này, 360 cây xanh lâu năm trên đường Trần Văn Kiểu đã bị ban quản lý dự án “trảm” không thương tiếc. Người dân phản đối dữ dội, Sở GTCC cũng cử cán bộ xuống khảo sát, xử lý và đã buộc ban quản lý dự án đại lộ Đông-Tây bồi thường theo quy định (?).
Chẳng biết số tiền bồi thường là bao nhiêu nhưng số cây xanh lâu năm này đã vĩnh viễn “lìa đời”. Đó là những mảng xanh có thể nhìn thấy được, ngoài ra còn rất nhiều cây xanh đường phố khác đã và đang chết dần chết mòn vì các công trình ngầm như: cống cấp thoát nước, cáp điện thoại… khi thi công, lắp đặt đã bị chặt gần hết bộ rễ, phải sống lay lắt không biết đổ kềnh ra đường vào ngày nào.
Bác Trần Văn Ba - ngụ tại phường Nguyễn Thái Bình - quận 1: “Công viên 23-9 là bộ mặt văn hóa thành phố”. Hồi đó, nơi này là ga Sài Gòn cũ, bị bỏ hoang sau khi di dời và trở thành “điểm hẹn” của bao tệ nạn xã hội, là nỗi bức xúc, kinh sợ của người dân nơi đây. Rồi nơi này được cải tạo thành công viên như hiện nay, đã trở thành bộ mặt văn hóa; thành điểm thư giãn của người dân. Gần đây tôi nghe người ta tính xây tòa nhà ngay giữa công viên. Tòa nhà mọc lên là kéo theo bao nhiêu áp lực xung quanh: bãi giữ xe, nước thải, rác thải, sức ép giao thông sẽ rất lớn mà các con đường quanh đây vốn nhỏ hẹp, mật độ giao thông đã cao. Liệu vài mươi năm sau, khi chúng ta đã giàu, chú trọng hơn về chất lượng cuộc sống, chúng ta có dám phá bỏ tòa nhà này để khôi phục lại “lá phổi” này cho người dân TP hay không? Anh Trần Văn Chiến - chung cư Phạm Viết Chánh - Bình Thạnh: “Người ta không tính đến chuyện cho dân thở”. Khi gia đình chúng tôi dọn đến cụm chung cư này (Ngô Tất Tố, Phạm Viết Chánh), bạn bè và người thân ai cũng mừng vì nhìn từ phía cầu Sài Gòn, 4 lô nhà cao ngất rất hoành tráng, gần như là một biểu tượng cho sự đổi đời, lột xác của người dân tại đây. Nhưng “ở trong chăn mới biết chăn có rận”, khu này có hơn 700 hộ dân sinh sống mà chẳng có một mảng xanh nào, càng sống lâu càng thấy bức bí, ngộp thở. Tội nhất là tụi nhỏ, tối đến là ru rú trong nhà, cắm đầu vô truyền hình, chơi game máy tính. Còn các cụ ông, cụ bà và ngay cả bản thân tôi, muốn thư giãn, vươn vai tập thể dục, hít thở không khí trong lành hàng ngày thì phải đi bộ đến Thảo cầm viên hoặc khu du lịch Văn Thánh. Chắc là khi thiết kế, họ chỉ nghĩ người dân có nơi ăn chốn ngủ, có chổ che mưa che nắng là tốt rồi, còn nhu cầu hít thở không khí trong lành, thư giãn thì không cần thiết (?). |