Làm quan tài bằng composit để giảm ô nhiễm môi trường

  •  
  • 1.321

Một cán bộ trẻ Tỉnh ủy Cà Mau nêu đề xuất khắc phục ô nhiễm môi trường nước ở nông thôn Cà Mau và các tỉnh miệt vườn Nam Bộ do các mộ táng quá gần khu dân cư gây ra.

Anh Nguyễn Đình Tăng

Anh Nguyễn Đình Tăng
(Ảnh: VTC  news)

Sáng kiến đoạt giải ba cuộc thi “Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường” do Bộ Tài nguyên & Môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức và trao giải hồi đầu tháng 6.

Khoảng giữa năm 2000, anh Nguyễn Đình Tăng, công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau, trở lại thắp hương cho người bạn quá cố trước đó ba tháng. Bạn anh được mai táng ngay tại góc vườn sau nhà và mộ đất của bạn nằm chung với các mộ khác của ông, bà, anh, em cùng dòng họ.

Loại đất chủ yếu ở Cà Mau và đồng bằng sông Cửu Long - bị nứt nẻ. Nhiều vết nứt sâu hoắm do nắng hạn kéo dài.

Anh Tăng hỏi người nhà có cách nào để mộ thôi nứt nẻ không, người nhà cho rằng không sao cả, mưa xuống là đất tự nhiên lấp khít lại ngay. Nơi đây các huyệt chỉ đào sâu 1,2-1,5 m.

Không rõ có phải vì chôn nông hay không mà, từ vết nứt một số ngôi mộ, bốc ra mùi khó chịu. Mùa mưa, nước trước khi trám kín vết nứt bằng đất mộ chắc cũng kịp thấm xuống dưới và không ai biết các dịch lỏng từ huyệt mộ thẩm thấu tận đâu nhờ nước mưa.

Anh Tăng thấy khu mộ gia đình bạn anh nằm cách nhà ở và cây nước sinh hoạt không đầy 50 m. Tình trạng này, mai táng người quá cố trong vườn gần nhà, khá phổ biến ở Cà Mau và các tỉnh lân cận.

“Đất đai do ông bà để lại”, “đất đai do tự khai hoang mà ra”. Thế nên nhà nào cũng có vườn và trong vườn thường dành một góc để làm nghĩa trang.

Người quá cố sau khi bọc bằng vải được táng trong quan tài gỗ, đáy rải một lớp đất. Các loại gỗ địa phương được biết chóng mục, nhất là vào mùa mưa ở Nam Bộ từ tháng 4 -11.

Một số trường hợp để lâu ngày mới chôn, thi hài được phủ thêm lớp trà hoặc mạt cưa. Các loại vật liệu ấy không ngăn được quá trình thẩm thấu dịch lỏng phân hủy từ thi hài ra môi trường đất xung quanh.

Chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của các mộ táng gần nhà đến chất lượng nước sinh hoạt và sức khỏe nhân dân ở Cà Mau. Chỉ biết, vào mùa khô, nhiều gia đình lấy nước từ ao, hồ gần khu mộ để dùng.

Các ao hồ đó thường là hố trũng do bị lấy đất để đắp mộ mà thành. Nước trong vắt nhưng không ai biết các thành phần hòa tan có an toàn hay không.

Để chống hiện tượng thẩm thấu chất ô nhiễm, anh cán bộ tuyên giáo đề xuất một loạt giải pháp như dùng nilon hoặc tấm cao su lót trong hoặc bao bên ngoài quan tài.

Hay từ việc nhân rộng mô hình hỏa táng của bà con Kh’mer ở phường I (TP Cà Mau) đến biện pháp dùng quan tài bằng vật liệu composite. Composite là loại vật liệu đang được dùng phổ biến ở địa phương trong việc chế tạo thuyền/ghe, vỏ lãi, thậm chí toilet. Tính toán sơ bộ cho thấy quan tài bằng composite không gây thẩm thấu, chỉ hết đôi ba triệu đồng, rẻ hơn gỗ.

Điều đáng chú ý của sáng kiến khoa học này là nó xuất phát từ một người không phải là nhà khoa học. Tác giả đề tài đoạt giải ba cuộc thi “Phát hiện sáng kiến bảo vệ môi trường” lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam cho biết anh sẽ sớm sang làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh để làm rõ thêm tính khả thi của sáng kiến.

Song, trở ngại lớn nhất của việc phổ biến sáng kiến, nhiều người cho rằng, lại nằm ở chính khâu tuyên truyền, nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan mà anh Tăng đang công tác.

Theo Tiền Phong, VTC news
  • 1.321