Khác với nhóm nhện bắt mồi có kích thước lớn, thường giăng lưới hoặc bò trên hoa, lá để bắt ăn côn trùng là loài có ích hay còn gọi là nhện thiên địch, nhóm nhện gây hại cây trồng có kích thước rất nhỏ, khó quan sát được bằng mắt thường, không giăng lưới và thường tập trung sống trên lá hay quả non để chích hút nhựa cây.
Nhóm nhện hại cây trồng rất phong phú và thường gây hại trên nhiều loại cây trồng nhưng tập trung gồm các loài sau đây: Nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng, nhện nâu. Nếu quan sát dưới kính lúp cầm tay ta thấy nhện đỏ có màu đỏ tươi, kích thước lớn hơn các loại nhện khác.
Nhện trắng có màu trắng, kích thước nhỏ hơn nhện đỏ trong khi nhện vàng có màu vàng và hình dáng trông giống củ cà rốt. Nhện trắng và nhện vàng ưa gây hại trên quả non bằng cách hút nhựa làm vỡ các túi tinh dầu (với nhóm cây ăn quả có múi) tạo thành các vệt xám nâu gọi là da lu trong khi nhện đỏ thường gây hại trên lá non và lá bánh tẻ làm cho lá bị bạc màu, mất hết diệp lục, làm cho cây còi cọc, sinh trưởng kém do không quang hợp được.
Để nhận biết sự hiện diện của nhện hại thì căn cứ vào màu lá, vỏ quả và sử dụng kính lúp cầm tay có độ phóng đại 10 lần để quan sát. Kinh nghiệm của nhiều nhà vườn có thể dùng một tờ giấy trắng áp sát vào mặt lá nghi có nhện rồi chà nhẹ trên tờ giấy. Mở ra nếu trên tờ giấy trắng xuất hiện những vệt đỏ, vàng hoặc dịch nước (các con nhện bị chết để lại các vệt dịch của nó trên giấy) thì chứng tỏ lá đã bị nhện gây hại. Căn cứ vào số "vết máu" trên giấy để xác định mật số và mức độ gây hại của nhện để có các biện pháp phòng trị kịp thời.