Lần đầu tiên trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng theo sự phức tạp của hệ thần kinh cảm giác của con người để tạo ra dây thần kinh nhân tạo có thể truyền được các thông tin cảm giác.
Tin vui này đến từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) và Đại học Quốc gia Seoul.
Theo PGS.TS. Lee Tae-Woo, công trình này sử dụng các linh kiện điện tử thật nhỏ nhưng vô cùng linh hoạt. Khi chúng ta chạm vào, một cụm cảm biến sẽ chuyển đổi áp lực nhỏ bé này thành tín hiệu điện di chuyển dọc theo các tế bào thần kinh điện tử đến các transistor mô phỏng theo các khớp nối thần kinh của con người.
Sợi dây thần kinh nhân tạo được kết nối với các dây thần kinh vận động nơi chân con gián này đã làm cho nó co cơ.
Hệ thống thiết bị này có thể phân biệt được các mức độ cảm giác khác nhau một cách chính xác bằng cách xác định các điểm chịu áp lực tương ứng với các ký tự khác nhau như trong hệ thống chữ nổi Braille. Thậm chí khi được kết nối với các dây thần kinh vận động của chân một con gián, chỉ với một áp lực nhỏ nhất cũng làm cho con côn trùng này phản xạ gây co cơ bắp!
Các nhà nghiên cứu cho biết, hệ thần kinh nhân tạo này đang còn được cải thiện và chỉ vài năm nữa thôi, sẽ làm cho các cánh tay và chân giả có được cảm giác. Dẫu hiện đang chỉ mới là bước đầu, nhưng chương trình sẽ được tiếp tục với việc chế tác một làn da nhân tạo nhằm bao bọc lấy các đầu tay chân giả hoặc thậm chí bao bọc cho cả các robot.
PGS.TS. Lee Tae-Woo, Đại học Quốc gia Seoul.
Họ cũng lưu ý rằng da là một hệ thống sinh học với độ phức tạp không được đánh giá thấp, vì nhờ có sự giao thoa với não, cả hai đều tham gia vào việc phát hiện cảm thụ và đưa ra quyết định xử lý.
Đây quả là một tin vui cho những ai phải mang chân tay giả, vì rồi đây những chân tay giả của họ sẽ sớm có được cảm giác mỗi khi nhận được sự tiếp xúc.