Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

  •  
  • 153

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây Hà Nội) cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, cuối đại lộ Thăng Long, nằm trên hành trình du lịch nghỉ dưỡng của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng như Thác Đa, Suối Ngọc Vua Bà, Rừng Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông…và ấp mình dưới chân núi Ba Vì huyền thoại; với địa hình bán sơn địa có đồi núi, có thung lũng và bao quanh là mặt nước hồ Đồng Mô thơ mộng.

Làng với tổng diện tích 1544ha, gồm 7 phân khu chức năng
Làng với tổng diện tích 1544ha, gồm 7 phân khu chức năng.

Làng với tổng diện tích 1544ha, gồm 7 phân khu chức năng: Khu quản lý điều hành văn phòng, Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, Khu trung tâm văn hoá và vui chơi giải trí, Khu công viên bến thuyền, Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô, Khu Di sản văn hóa thế giới và trong đó Khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, là trái tim của dự án.

Theo Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, Khu du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong danh mục các địa điểm có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

Từ năm 2016, bên cạnh những sự kiện điểm nhấn trong năm như: “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam: “Tuần đại đoàn kết – di sản văn hóa Việt Nam”, Làng còn có hoạt động hàng ngày, cuối tuần, chuyên đề về ẩm thực, âm nhạc, trang phục… do đồng bào các dân tộc đại diện các vùng, miền về sinh sống, tái hiện.

Về với Làng, ngoài việc khám phá kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc của các dân tộc, du khách còn có cơ hội thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, thiên nhiên trong lành và những tình cảm nồng ấm của đồng bào.

Quần thể chùa Khmer thuộc Khu các làng dân tộc III
Quần thể chùa Khmer thuộc Khu các làng dân tộc III, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Giới thiệu về các làng dân tộc nổi bật

Làng dân tộc Tày

Tham quan tại ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày quý khách thưởng thức làn điệu Then, đàn tính mượt mà sâu lắng, trải nghiệm trò chơi dân gian: ném còn, bập bênh, đu quay, đi cà kheo, nhảy sạp, giã gạo...

Làng dân tộc Dao

Nhóm nghệ nhân Dao quần chẹt đến từ vùng núi cao Ba Vì nơi nổi tiếng với nghề bào chế và bốc thuốc nam sẽ là địa điểm du lịch lý tưởng cho đoàn khách có nhu cầu tìm hiều về thuốc.

Làng dân tộc Mông

Điểm tham quan làng dân tộc Mông – quê hương của “Vợ chồng A Phủ” là nơi quý khách sẽ có dịp thưởng thức tiếng khèn, điệu múa Tha Ghếnh, Xênh tiền và các món ăn ẩm thực đặc sắc của người Mông như rượu ngô, thắng cố...

Làng dân tộc Thái

Không gian làng đồng bào Thái hiện có sự hiện diện của đoàn nghệ nhân Thái trắng đến từ Mộc Châu (Sơn La) là điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động văn nghệ, dân ca dân vũ đặc sắc như nhảy sạp, múa xòe, ném còn...

Làng dân tộc Tà Ôi

Dừng chân tại làng Tà Ôi gặp gỡ đoàn nghệ nhân đồng bào dân tộc đến từ quê hương cách mạng huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) để cùng hòa vào nhịp Xoang rộn ràng, thưởng thức món bánh tình yêu A Quát chắc chắn sẽ là kỷ niệm ấn tượng của quý khách trong hành trình tại ngôi nhà chung.

Làng dân tộc Raglai

Ngôi làng của đồng bào Raglai quê hương của cây đàn Chapi huyền thoại, quý khách tìm hiểu và thưởng thức một số nhạc cụ dân tộc truyền thống được đồng bào Raglai (Ninh Thuận) trực tiếp chế tác và biểu diễn.

Làng dân tộc Ê Đê

Đến với ngôi nhà dài của đồng bào Ê Đê Quý khách cùng giao lưu văn hóa văn nghệ trong tiếng hát Ay Ray say đăm lòng người và lắng nghe câu chuyện về sử thi chàng Đăm San đi tìm nữ thần mặt trời.

Các công trình nổi bật

Vườn tượng nhà mồ Tây Nguyên

Là điểm đến ấn tượng tại cụm làng II, vườn tượng hiện đang có 100 tác phẩm tượng điêu khắc gỗ nhà mồ do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân vùng Tây Nguyên tạo tác vào dịp tháng 11/2013. Với những chủ đề đa dạng, ngắm nhìn những bức tượng này du khách sẽ thêm hiểu và cảm nhận về văn hóa Tây Nguyên.

Chùa Khmer

Hiện nay trong cả nước có trên 400 quần thể chùa Khmer và đây là một trong những quần thể chùa đẹp nhất ở Việt Nam và duy nhất trong lòng thủ đô Hà Nội thuộc dòng phật giáo nguyên thuỷ. Ngôi chùa này được phục dựng theo khuôn mẫu chùa Khleang ở tỉnh Sóc Trăng nhưng toàn bộ hoạ tiết trang trí bên trong và bên ngoài ngôi chùa là sự cô đọng và tổ hợp của tất cả các chùa. Đây là một tổng thể kiến trúc có rất nhiều hạng mục khác nhau. Chùa của người Khmer đươc xây dựng theo hướng tâm toả, tức là lấy chính điện làm trung tâm để xác định các hạng mục khác bao quanh nó. Ngoài ra còn có những hạng mục khác như: Nhà thiêu tháp cốt, Nhà Sala, Am thờ... Chùa Khmer là một điểm đến đặc sắc mang tính tôn giáo với kiến trúc độc đáo là điểm đến không thể bỏ qua khi đến thăm Làng.

Tháp Chăm

 Quần thể tháp này được phục dựng nguyên mẫu quần thể tháp Poklongarai ở Ninh Thuận.
 Quần thể tháp này được phục dựng nguyên mẫu quần thể tháp Poklongarai ở Ninh Thuận.

Quần thể tháp được tái hiện tại Làng là một trong những quần thể tháp đẹp nhất ở Việt Nam hiện nay, quần thể tháp này được phục dựng nguyên mẫu quần thể tháp Poklongarai ở Ninh Thuận theo tỉ lệ là 1:1. Sau hơn 4 năm xây dựng bằng phường pháp thủ công gạch mài chập, kết dính bằng nhựa cây. Tháp được khánh thành vào ngày 23/11/2012 là công trình đặc sắc, hấp dẫn cho du khách.

Nhà triển lãm làng III

Nhà triển lãm làng III với 02 không gian chính là Không gian biển đảo trong lòng dân tộc nơi đang trưng bày 21 phiến đá san hô được lấy từ các điểm đảo Việt Nam đang đóng quân trên quần đảo Trường Sa là không gian văn hóa ý nghĩa thể hiện tình đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên đất liền và biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc mang ý nghĩa giáo dục, khơi dậy lòng tự hào yêu nước cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh đó là không gian triển lãm văn hóa Chăm và Khmer với nhiều hiện vật đặc sắc.

Cập nhật: 16/03/2022 Theo langvanhoa
  • 153