Loài chim "nóng tính" nhất Việt Nam, có khả năng giữ nhà như chó

  •   4,52
  • 1.961

Ở miền Tây có một loài chim rất đẹp và rất khôn, có thể nuôi làm cảnh hoặc để giữ nhà thay chó, đó là chim trích cồ. Là loại chim cảnh nhưng bao lâu nay tính cách hung dữ hoang dã của nó vẫn chưa thể thay đổi.

Chim trích cồ có tên khoa học là Porphyrio poliocephalus, thuộc họ Gà nước phân bố ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Chim trích cồ

Trích cồ còn có đôi chân dài miên man và có những “vũ điệu” múa khá ẻo lả, rất đẹp.
Trích cồ còn có đôi chân dài miên man và có những “vũ điệu” múa khá ẻo lả, rất đẹp.

Trích cồ có dáng vóc không lớn, song, phần lông ức có màu xanh mướt nổi bật trên nền lông đen của phần lưng, đặc biệt mỏ và mồng có màu đỏ. Trích cồ còn có đôi chân dài miên man và có những “vũ điệu” múa khá ẻo lả, rất đẹp.

Vốn chúng là chim hoang dã, nhưng vì quá đẹp, lại không khó nuôi nên người dân bắt về làm cảnh. Người nuôi chim trích cồ lâu thường xem chúng như gà, nuôi thả chứ không nhốt trong chuồng. Khi đó, chim sẽ ăn lúa gạo, rau cải, thịt cá chứ không phải chăm bẵm riêng như chim cảnh thông thường.

Chim trích cồ vẫn giữ tập tính, nét đặc trưng hoang dã của mình. Chúng dễ sinh sản khi sống trong không gian rộng rãi, nhiều cây cối, có ao hồ. Còn nếu nuôi nhốt, chim trích cồ sẽ bị khó sinh. Chim trích cồ dữ tợn nhất là vào mùa sinh sản. Khi đó, việc động vào chúng là rất mạo hiểm. Một con trích cồ 18 tháng tuổi sẽ bắt đầu sinh sản. Một năm nó đẻ 2 – 3 đợt, trung bình cho 2 – 6 trứng.

Chim trích cồ được nuôi thả chứ không nhốt trong chuồng. 
Chim trích cồ được nuôi thả chứ không nhốt trong chuồng.

Chim trích cồ được nhiều người nuôi để canh nhà thay chó. Dù không to và mạnh mẽ được như chó nhưng loài chim này rất hung dữ, không thua bất cứ ai. Chúng có thể lao đến đối thủ, vừa dùng mỏ để mổ, vừa đá những cú hiểm hóc khiến đối phương bị thương. Ngoài ra, chim trích cồ còn có tiếng ré đặc trưng, inh tai nhức óc nhưng để báo động thì rất hợp lý.

Chim trích cồ nuôi thuần vẫn giữ bản tính "hung dữ" đối với người lạ. Khi có người lạ vào nhà, hoặc nếu bị chọc phá là chúng nhảy vào đá và kêu lớn tiếng. Chính vì vậy, người ta cho loài chim này rất "nóng tính" và có khả năng giữ nhà như chó.

Trước đây, chim trích cồ thường xuất hiện nhiều ở các cánh đồng vùng chiêm trũng ở đồng bằng Bắc bộ, miền Tây và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. Còn bây giờ, số lượng loài chim này ngoài môi trường tự nhiên ngày càng ít đi và trở nên quý hiếm.

Cập nhật: 21/11/2023 ANTĐ
  • 4,52
  • 1.961