Loài ốc biển 500 triệu năm tuổi cực hiếm sau 31 năm mất tích

  •   33
  • 2.999

Một loài ốc biển cực kỳ quý hiếm, đã tồn tại trên trái đất suốt 500 triệu năm qua, vừa được phát hiện thấy sau 31 năm “mất tích”. Đây là lần thứ 2 loài động vật quý hiếm này được phát hiện.

Phát hiện sinh vật biển 500 tuổi cực hiếm 

Loài ốc biển với tên gọi Allonautilus scrobiculatus được xem là một trong những loài động vật quý hiếm nhất trên thế giới. Vào năm 1984, nhà sinh vật học Peter Ward của trường Đại học Washington (Mỹ) và các đồng sự trong một lần nghiên cứu vùng biển Papua New Guinea (châu Đại Dương) đã phát hiện thấy loài ốc anh vũ này và ghi nhận đây là một loài sinh vật hoàn toàn mới.

Tuy nhiên từ đó cho đến nay, loài sinh vật này dường như đã “tan biến” và không có dấu hiệu nào cho thấy sự tồn tại của loài ốc anh vũ này. Các nhà sinh vật học lo ngại rằng loài ốc anh vũ Allonautilus scrobiculatus đã bị tuyệt chủng.

Loài ốc biển 500 triệu năm tuổi cực hiếm sau 31 năm mất tích
Ốc anh vũ Allonautilus scrobiculatus là một trong những loài sinh vật cổ xưa nhưng hiếm gặp nhất hiện nay

Mới đây, sau 31 năm, Ward cùng các đồng nghiệp một lần nữa khám phá vùng biển thuộc Papua New Guinea và may mắn lại mỉm cười với ông khi Ward lại phát hiện thấy sự tồn tại của Allonautilus scrobiculatus. Peter Ward và các đồng nghiệp đã phải lùng sục cả vùng biển này trong suốt 4 năm mới có thể tìm thấy loài ốc anh vũ cực kỳ quý hiếm này.

Ward và các đồng nghiệp đã sử dụng hệ thống “gậy săn mồi” vào mỗi buổi tối, với cá và thịt gà được gắn trên đầu gậy và đưa xuống biển ở độ sâu 150 đến 400 mét, nhằm dụ dỗ sự xuất hiện của loài ốc này, sau đó quay video khu vực xung quanh “gậy săn mồi”.

“Chúng tôi đã bắt đầu sử dụng cách thức này từ năm 2011”, Peter Ward chia sẻ. “Đến năm nay, mỗi ngày phải có 30 người cùng tham gia và may mắn đã mỉm cười với chúng tôi”.

Lần này, sau 31 năm, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy không chỉ một mà đến hai sinh vật Allonautilus scrobiculatus xuất hiện. Các nhà nghiên cứu sau đó đã bắt loài sinh vật này, lấy mẫu mô, vỏ và chất nhầy trên cơ thể chúng trước khi trả trở lại về thiên nhiên.

“Chúng tôi đã rất kinh ngạc khi nhìn rõ chúng. Chúng có lớp vỏ dày, có lông bao phủ và một lớp chất nhầy trên vỏ”, Ward mô tả về loài sinh vật quý hiếm.

Ốc anh vũ là loài động vật thân mềm cổ xưa đã từng tồn tại cách đây hàng trăm triệu năm. Chúng thường nằm phục dưới đáy biển sâu, bò bằng xúc tu. Vào những lúc sau cơn bão vào buổi chiều, chúng kéo đàn nổi lên mặt nước kiếm ăn, nhưng chỉ một lát rồi lại trở về đáy biển.Thức ăn là tôm, cá con. Loài ốc này thường ít khi quay trở lại khu vực mặt biển mà chúng đã xuất hiện, đó là lý do tại sao các nhà khoa học phải rất khó khăn để có thể tìm lại được loài ốc Allonautilus scrobuculatus.

Các nhà khoa học nhận định ốc Allonautilus scrobiculatus đã từng tồn tại trên thế giới cách đây 500 triệu năm, tuy nhiên cho đến nay chúng mới chỉ được nhìn thấy 2 lần, do vậy đây có thể xem là một trong những sinh vật hiếm và bí hiểm nhất thế giới. Các nhà khoa học hy vọng với mẫu vật mà mình lấy được có thể khám phá thêm những bí ẩn về loài sinh vật này.

Theo Dân Trí
  • 33
  • 2.999