Các nhà sinh vật học phát hiện hành vi kiếm ăn kỳ lạ của hai loài rắn Oligodon không có nọc độc ở châu Á.
Một con rắn Oligodon formosanus đang ăn nội tạng ễnh ương trên đảo Lantau. (Ảnh: Jo Lodder).
Theo mô tả trên tờ Live Science hôm 25/2, hai loài rắn - có tên khoa học là Oligodon formosanus và Oligodon ocellatus - chuyên săn động vật lưỡng cư như ếch và cóc, sau đó rạch bụng chúng để ăn nội tạng tươi. Quá trình này có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng cả hai loài rắn đều nuốt trọn phần cơ thể còn lại của con mồi, đặt ra câu hỏi: "Tại sao chúng phải ăn nội tạng trước?".
"Hy vọng rằng các quan sát trong tương lai sẽ giúp chúng ta có câu trả lời, đồng thời khám phá thêm các khía cạnh về thói quen săn mồi ghê rợn của rắn Oligodon", nhà nghiên cứu Henrik Bringsøe từ Đại học California của Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Oligodon còn được gọi là rắn kukri do hình dạng những chiếc răng của nó làm gợi nhớ đến loại dao rựa cong kukri nổi tiếng của Nepal. Các loài trong chi này đều không có nọc độc và thường không dài quá 100 cm khi trưởng thành.
Hiện có 83 loài được mô tả trong chi Oligodon và tất cả đều sống ở châu Á. Hai loài mới được đề cập đến trong nghiên cứu được quan sát thấy trên hòn đảo Lantau của Hong Kong.