Loài rắn nước ở Việt Nam tưởng vô hại nhưng mang nọc độc chết người

  •  
  • 1.471

Tại Việt Nam có phân bố một loài rắn được biết đến với biệt danh "nữ hoàng bóng đêm". Dù đây chỉ là một loài thuộc họ rắn nước, nó lại sở hữu nọc độc cực kỳ nguy hiểm và có khả năng gây chết người.

Loài rắn được ví là "nữ hoàng bóng đêm" tại Việt Nam

Loài rắn được đề cập ở trên là hoa cỏ cổ đỏ, có tên khoa học Rhabdophis subminiatus, một loài rắn thuộc chi hoa cỏ, họ rắn nước.

Tại Việt Nam, loài rắn này được biết đến với nhiều tên gọi như rắn nước cổ đỏ, rắn cổ bẹt, rắn cổ trĩ đỏ… trong đó được biết đến rộng rãi nhất với tên gọi nữ hoàng bóng đêm, hổ lửa và rắn học trò.

Rắn hoa cỏ cổ đỏ nổi bật với phần cổ màu đỏ
Rắn hoa cỏ cổ đỏ nổi bật với phần cổ màu đỏ, cũng chính là nguồn gốc cho tên gọi của loài rắn này (Ảnh: GBIF).

Rắn hoa cỏ cổ đỏ là loài có kích thước trung bình, với chiều dài cơ thể chỉ từ 0,8 đến 1m, con cái lớn hơn nhiều so với con đực. Đầu và cổ rắn có sự phân biệt rõ ràng. Loài rắn này thường có thân màu xanh đen hoặc xám đen, phần đầu có màu sẫm, nửa trước của thân thường có các vân đen. Rắn non thường có vòng cổ màu vàng, đen rất rõ nét, nhưng những vòng màu sắc này sẽ nhạt dần khi rắn trưởng thành.

Đặc điểm nổi bật nhất của loài rắn hoa cỏ cổ đỏ đó là phần cổ rắn có một đoạn vảy màu đỏ rất nổi bật, giúp loài rắn này rất dễ được nhận dạng. Đặc điểm này cũng chính là nguyên do tạo nên tên gọi rắn hoa cỏ cổ đỏ hoặc rắn học trò vì khiến nhiều người liên tưởng đến khăn quàng đỏ của học sinh.

Rắn hoa cỏ cổ đỏ non sẽ có các vòng màu vàng và đen ở cổ.
Rắn hoa cỏ cổ đỏ non sẽ có các vòng màu vàng và đen ở cổ. Những vòng màu sắc này sẽ mờ đi khi rắn trưởng thành (Ảnh: Animalia).

Hoa cỏ cổ đỏ là loài rắn được phân bố rộng tại các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc.

Tại Việt Nam, loài rắn này phân bố rộng hầu như trên khắp các tỉnh thành, với 2 phân loài, bao gồm hoa cỏ cổ đỏ Xiêm hoa cỏ cổ đỏ He-le (hay hoa cỏ cổ đỏ phương Bắc). Trong đó, hoa cỏ cổ đỏ He-le sống tại khu vực miền Bắc và vùng Bắc Trung Bộ, còn hoa cỏ cổ đỏ Xiêm phân bố tại khu vực miền Nam Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam.

Hoa cỏ cổ đỏ là loài rắn bán thủy sinh, thường sống ở những khu vực gần nước như ruộng lúa, ao, hồ, sông, suối có dòng chảy chậm, các đập nước… Loài rắn này cũng xuất hiện tại khu dân cư nên thường xuyên đụng độ với con người.

Đây là loài rắn hoạt động ban ngày và dành phần lớn thời gian trong ngày để săn mồi. Thức ăn chính của loài rắn này là ếch, nhái, cóc, cá…

Rắn hoa cỏ cổ đỏ độc như thế nào?

Như trên đã đề cập, hoa cỏ cổ đỏ thuộc họ rắn nước, chính điều này khiến nhiều người cho rằng đây là một loài rắn không độc. Tuy nhiên, trên thực tế hoa cỏ cổ đỏ sở hữu nọc độc nguy hiểm có khả năng gây chết người.

Rắn hoa cỏ cổ đỏ có thể ngóc cao đầu và phình rộng cổ để đe dọa kẻ thù
Rắn hoa cỏ cổ đỏ có thể ngóc cao đầu và phình rộng cổ để đe dọa kẻ thù (Ảnh: Shani Cohen).

Hoa cỏ cổ đỏ là một loài rắn hiền lành, luôn tìm cách lẩn trốn khi đối mặt với con người. Trong trường hợp bị đe dọa và kích động, rắn hoa cỏ cổ đỏ có thể ngóc cao đầu, làm bẹt phần cổ và co người thành hình chữ "S" để sẵn sàng tung ra cú mổ nhằm đe dọa kẻ thù.

Hoa cỏ cổ đỏ là loài có nanh độc sau, nghĩa là răng nanh để tiêm nọc độc của loài rắn này nằm sâu ở phía trong hàm trên, gần cổ họng, thay vì nằm ngay phía ngoài hàm như phần lớn các loài rắn độc khác.

Do vị trí răng nanh nằm sâu phía trong, hoa cỏ cổ đỏ nói riêng và các loài rắn độc nanh sau nói chung thường phải cắn sâu vào con mồi hoặc kẻ thù để đưa nanh độc vào vị trí thích hợp mới có thể tiêm nọc độc. Điều này khiến cho việc tiêm nọc độc của các loài rắn độc nanh sau ít hiệu quả hơn so với các loài rắn độc nanh trước.

Các kiểu răng nanh của rắn độc
Các kiểu răng nanh của rắn độc (từ trái sang): nanh độc sau, nanh độc trước cố định và răng nanh gập (Ảnh: SA).

Chính vì thiết kế nanh độc nằm sâu phía trong, rắn hoa cỏ cổ đỏ thường chỉ tung ra cú cắn khô mà không tiêm nọc độc. Chính điều này khiến nhiều người lầm tưởng rằng hoa cỏ cổ đỏ là loài rắn vô hại và không có nọc độc.

Tuy nhiên, nếu bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn vào những vị trí như kẽ ngón tay, kẽ ngón chân hoặc tay, chân trẻ em (những vị trí có kích thước nhỏ, dễ bị rắn cắn sâu), nạn nhân hoàn toàn có thể bị răng nanh của hoa cỏ cổ đỏ cắn trúng và nhiễm độc.

Nanh độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ nằm sâu phía trong hàm nên rất ít khi sử dụng
Nanh độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ nằm sâu phía trong hàm nên rất ít khi sử dụng (Ảnh: Mahidol).

Hiện nay chưa có huyết thanh đặc trị nào được phát triển dành cho nọc độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ. Nguyên do chính vì hoa cỏ cổ đỏ là loài hiền lành, có răng nanh sau và ít khi tiêm nọc độc khi cắn, do vậy việc nghiên cứu huyết thanh là chưa thực sự cần thiết. Tuy nhiên, nếu bị trúng độc của rắn hoa cỏ cổ đỏ, nạn nhân có thể bị thiệt mạng.

Nếu bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn trúng, cần lập tức đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Dù chưa có huyết thanh kháng nọc, các bác sĩ có thể chữa trị cho bệnh nhân dựa theo triệu chứng để giúp chống nhiễm độc.

Tuyến chất độc thứ 2 nằm ở phần cổ đỏ

Một điều đặc biệt của rắn hoa cỏ cổ đỏ đó là chúng không chỉ sở hữu tuyến nọc độc để tiêm vào kẻ thù thông qua răng nanh, mà loài rắn này còn sở hữu một tuyến độc nằm ở phần cổ đỏ trên cơ thể.

Phần vảy đỏ ở cổ của loài rắn này có khả năng tiết ra chất độc
Phần vảy đỏ ở cổ của loài rắn này có khả năng tiết ra chất độc, có thể gây nguy hiểm cho con người nếu nuốt phải hoặc tiếp xúc với mắt (Ảnh: HKSnakeID).

Khi bị đe dọa hoặc gặp nguy hiểm, loài rắn này có thể tiết ra chất độc ở phần cổ đỏ bằng cách phá vỡ các tuyến độc ở dưới da. Chất độc này được hoa cỏ cổ đỏ tích tụ từ cóc, con mồi yêu thích của loài rắn này. Chất độc từ cổ của loài rắn này có thể gây nguy hiểm nếu vô tình nuốt phải hoặc tiếp xúc với mắt.

Do vậy, nếu bắt gặp rắn hoa cỏ cổ đỏ, mọi người chỉ nên xua đuổi chúng, thay vì tìm cách bắt giữ hoặc tiêu diệt loài rắn này để tránh nguy cơ bị nhiễm độc từ tuyến chất độc trên cổ của chúng.

Hiểu lầm tai hại và tai nạn đáng tiếc với rắn hoa cỏ cổ đỏ

Nhiều người lầm tưởng rằng hoa cỏ cổ đỏ là loài rắn nước vô hại nên đã bắt giữ và nuôi loài rắn này như thú cưng trong nhà. Chính sự nhầm lẫn tai hại này đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.

Rắn hoa cỏ cổ đỏ có màu sắc sặc sỡ và bắt mắt, nhưng tuyệt đối không được nuôi loài rắn này
Rắn hoa cỏ cổ đỏ có màu sắc sặc sỡ và bắt mắt, nhưng tuyệt đối không được nuôi loài rắn này làm cảnh để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra (Ảnh: Biodiversity).

Chẳng hạn như trường hợp vào năm 2021, khi một bé trai 3 tuổi tại TPHCM bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn vào tay dẫn đến thiệt mạng. Trước đó, ông ngoại của bé đã nuôi một con rắn hoa cỏ cổ đỏ vì tưởng rằng đây là loài rắn vô hại, nhưng cuối cùng bé đã bị rắn cắn vào mu bàn tay dẫn đến tử vong.

Đã từng có không ít trường hợp nhiều người chơi đùa, bắt giữ rắn hoa cỏ cổ đỏ vì thấy đây là loài rắn hiền lành và tưởng rằng chúng vô hại. Chính điều này đã dẫn đến nguy cơ bị rắn hoa cỏ cổ đỏ cắn, có thể dẫn đến thiệt mạng.

Với những thông tin do bài viết cung cấp, hy vọng mọi người sẽ cảnh giác hơn khi bắt gặp loài rắn hoa cỏ cổ đỏ, hạn chế tiếp xúc với loài rắn này để không bị cắn trúng hoặc tránh bị nhiễm độc tiết ra từ phần cổ đỏ của chúng.

Cập nhật: 13/07/2024 Dân Trí
  • 1.471