Loài rùa mỏ đại bàng, đuôi cá sấu kỳ lạ sắp biến mất

  •  
  • 222

Loại rùa kỳ lạ ở Hong Kong - với chiếc mỏ giống đại bàng, đuôi như cá sấu, và đầu to quá khổ - cùng một số loài rùa quý khác có thể sớm biến mất vĩnh viễn vì bị săn bắt trái phép.

Sung Yik-hei, phó giáo sư tại Đại học Lĩnh Nam, cho biết: “Hong Kong là một trong những thành trì bảo tồn rùa cuối cùng ở châu Á”. Ông đã theo dõi quần thể rùa của thành phố trong hơn một thập kỷ và ước tính số lượng này đã giảm từ 60% đến 80% trong thời gian đó.

“Tình hình đã đến mức không thể tồi tệ hơn”, ông nói.

 Một con rùa đầu to trong phòng thí nghiệm tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong.
Một con rùa đầu to trong phòng thí nghiệm tại Đại học Lĩnh Nam ở Hong Kong. (Ảnh: CNN).

Thị trường bùng nổ

Vùng ngoại ô nông thôn của Hong Kong với khí hậu cận nhiệt đới, nhiều sông suối và ít người là môi trường sống của các loài rùa nước ngọt khác nhau.

Nhiều loài rùa ở đây từng có mặt nhiều ở các khu vực khác của châu Á, như Việt Nam, Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, nhưng nạn săn trộm đã làm suy giảm quần thể của chúng đến mức một số loài hiện chỉ còn vài trăm cá thể và chủ yếu chỉ có ở Hong Kong, theo CNN.

“Ở tất cả con suối tôi đến gần đây, chúng tôi đều quan sát thấy dấu hiệu săn bắt rùa trái phép. Chúng tôi đã tìm thấy bẫy, hoặc không tìm thấy con rùa nào ở những điểm mà chúng tôi biết chắc có rùa sống”.

Trong số các quần thể rùa mà ông đang đấu tranh để bảo tồn có rùa vàng (hay rùa hộp ba vạch), một loài từng được đánh giá cao là có ý nghĩa y học. Loài rùa này hiện trở thành một loại vật nuôi được săn đón với mức giá lên tới hàng trăm nghìn USD, vì nhiều người tin rằng các sọc vàng trên đầu nó biểu trưng cho sự thịnh vượng.

 Rùa vàng có thể được bán với giá lên tới hàng trăm nghìn USD ở chợ đen Hong Kong.
Rùa vàng có thể được bán với giá lên tới hàng trăm nghìn USD ở chợ đen Hong Kong. (Ảnh: Sung Yik-hei).

Ông Sung cho biết ước tính còn khoảng 100 con rùa vàng ở Hong Kong, một trong những quần thể quan trọng cuối cùng của loài này trên thế giới.

Đối mặt với hoàn cảnh tương tự là loài rùa Beale's eyed (Sacalia bealei), chỉ còn chưa tới 200 cá thể ở Hong Kong và một số chưa xác định - nhưng được cho là rất nhỏ - ở Trung Quốc đại lục.

Loài rùa này có hoa văn hình hai con mắt ở phía sau đầu. Vẻ ngoài độc đáo khiến nó trở thành một món hàng đáng chú ý, với giá hàng trăm USD trên thị trường chợ đen.

Cũng nằm trong số loài bị đe dọa nhất là rùa đầu to. Với mỏ giống đại bàng, đuôi giống cá sấu và cái đầu quá khổ, loài rùa trông kỳ lạ này đã trở nên phổ biến với những người tìm kiếm vật cưng lạ mắt.

Loài này hiện chỉ còn vài trăm con ở Hong Kong. Số cá thể của loài này ở Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam thậm chí có thể ít hơn. Chúng được bán với giá lên tới 1.000 USD trên thị trường chợ đen.

Rùa Beale's eyed chỉ còn chưa tới 200 cá thể ở Hong Kong.
Rùa Beale's eyed chỉ còn chưa tới 200 cá thể ở Hong Kong. (Ảnh: Sung Yik-hei).

Pháp luật không đủ ngăn chặn

Không có loài nào trong số ba loài rùa trên được nhận định là phù hợp để nuôi làm thú cưng. Ông Sung nói rằng loài rùa đầu to đặc biệt không phù hợp, vì rất khó để xây dựng được nơi nuôi nhốt giống với môi trường sống tự nhiên của chúng.

Bên cạnh đó, theo luật Hong Kong, buôn bán hoặc nuôi nhốt loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng được ghép vào tội hình sự, có thể bị phạt tối đa 10 năm tù và 10 triệu HKD (1,27 triệu USD), tùy thuộc vào loài.

Tuy nhiên, hoạt động buôn bán rùa bất hợp pháp trong thành phố vẫn diễn ra sôi nổi, bên cạnh các hoạt động nhập khẩu hợp pháp.

Trích dẫn dữ liệu công khai, ADM Capital Foundation, một cơ quan nghiên cứu tư nhân có trụ sở tại Hong Kong, cho biết chính quyền thành phố đã thu giữ ít nhất 17.900 con rùa còn sống từ những kẻ buôn lậu kể từ năm 2015.

Bowie Chan Wing-wai, 41 tuổi, người điều hành trang Facebook Hong Kong Reptile Channel, cho biết việc nuôi rùa và các loài bò sát nhỏ hiện rất phổ biến ở thành phố. Nhiều người Hong Kong sống trong nhà hẹp và họ cho rằng những loài động vật này có thể nuôi nhốt trong không gian nhỏ, như thùng hoặc bể cá cảnh nhỏ trong nhà.

Tuy nhiên, quan niệm này là sai vì ngoài bề rộng không gian, các yếu tổ môi trường khác - như ánh nắng - cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chúng.

 Một kẻ bị tình nghi săn trộm rùa.
Một kẻ bị tình nghi săn trộm rùa. (Ảnh: Sung Yik-hei).

Sam Inglis, Giám đốc chương trình động vật hoang dã của ADM, cho biết hồ sơ xuất khẩu cho thấy chỉ vài trăm nghìn trong số 4,3 triệu con rùa nhập khẩu từ năm 2015 đến năm 2022 được tái xuất khẩu hợp pháp. Hầu hết chúng ở lại thành phố, chết, bị tiêu thụ, hoặc buôn lậu ra khỏi Hong Kong bất hợp pháp.

Cục Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hong Kong (AFCD) nói với CNN rằng họ “không tiếc công sức chống lại các hoạt động săn bắt trái phép để bảo vệ động vật hoang dã”. Họ đã làm việc với cảnh sát và các nhóm bảo vệ động vật địa phương để kiểm tra khu vực làm tổ và loại bỏ bẫy động vật.

Cơ quan này cho biết đã truy tố thành công 24 trong số 47 trường hợp săn bắt động vật hoang dã phát hiện kể từ năm 2020. Trong cùng thời gian đó, cơ quan này truy tố thành công 4 trong số 38 trường hợp liên quan đến mua bán rùa nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên, những kẻ săn trộm vẫn không e sợ. Chúng thường hoạt động vào ban đêm và thường mang theo vũ khí.

Ông Sung đã đưa CNN đến hai địa điểm mà máy quay của ông bị hỏng. Ông tin rằng đó là do những kẻ săn trộm phá.

Cập nhật: 10/05/2023 Zing
  • 222