Lọc rửa tinh trùng - hy vọng làm bố cho người có HIV

  •  
  • 2.710

Vợ chồng anh Trung, một người nhiễm HIV ở Hà Nội, đang cố gắng tích cóp tiền bạc để sang Thái Lan "kiếm" một đứa con khỏe mạnh nhờ lọc rửa tinh trùng. Ở Việt Nam, kỹ thuật lọc rửa đã được áp dụng từ lâu nhưng vào các mục đích khác.

Có con là mong ước của mỗi gia đình

Có con là mong ước của mỗi gia đình
(Ảnh: typepad)

Ông Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội, cho biết, rất nhiều đôi lứa mà người chồng nhiễm HIV đã nhờ ông tư vấn để có con, một trong những khao khát lớn nhất của họ. Qua đó, họ được biết trên thế giới, nhiều người đàn ông nhiễm HIV đã có được đứa con khỏe mạnh nhờ lọc rửa tinh trùng trước khi thụ tinh. Thái Lan là một trong những nước có dịch vụ này.
Theo ông Tuấn, một số cặp vợ chồng ở Hà Nội đã sang Thái Lan để thực hiện lọc rửa tinh trùng và có con khỏe mạnh. Rất nhiều người có HIV khác cũng biết thông tin này nhưng không thể làm theo vì chi phí ra nước ngoài điều trị rất đắt. Họ chờ đợi sự phát triển kỹ thuật trong nước.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, lọc rửa tinh trùng hoàn toàn không phải là một kỹ thuật mới. Nó đã được thực hiện ở Việt Nam từ lâu nhằm mục đích "làm sạch" tinh trùng trước khi bơm vào buồng tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Điều này giúp tăng khả năng thành công của các ca hỗ trợ sinh sản.

Tinh trùng được cho vào một hóa chất có sẵn (cũng là môi trường nuôi cấy tinh trùng) rồi đưa vào máy quay ly tâm. Lực ly tâm sẽ tách tinh trùng khỏe về một phía, các tinh trùng chết, yếu, dị dạng và tinh tương về phía bên kia. Virus HIV nếu có trong tinh tương cũng sẽ bị tách ra khỏi tinh trùng.

"Phương pháp quay ly tâm có thể loại bỏ virus HIV cũng như các mầm bệnh, độc tố khác trong tinh tương. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chắc chắn là đạt hiệu quả 100%" - tiến sĩ Tiến nói. Đó chính là lý do Bệnh viện Phụ sản Trung ương chưa nhận làm cho người nhiễm HIV.

Ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng chống HIV/AIDS và các văn bản pháp luật khác ở Việt Nam không cấm người nhiễm HIV sinh con (nhưng cũng không khuyến khích).

Theo ông Tiến, ngay cả các nước phát triển, nơi đã giúp một số người đàn ông nhiễm HIV sinh con, cũng chưa dám khẳng định tính chắc chắn của phương pháp này. Mặt khác, nếu virus HIV tồn tại trong chính tế bào tinh trùng chứ không chỉ ở tinh tương thì việc lọc rửa cũng vô ích. Do đó, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chủ trương khi có yêu cầu từ người nhiễm HIV, các bác sĩ sẽ khuyên là không nên, vì nếu chẳng may đứa trẻ sinh ra vẫn nhiễm bệnh thì người lớn sẽ rất ân hận.

Tuy nhiên, ông Tiến cho biết bệnh viện sẽ không từ chối khi đôi vợ chồng (chồng nhiễm HIV) đã quyết định dứt khoát là sẽ sinh con, và nếu các bác sĩ không giúp đỡ thì họ sẽ thụ thai theo cách tự nhiên. Phương pháp lọc rửa tinh trùng sẽ giảm nguy cơ cho đứa con của họ. Điều kiện để thực hiện là người vợ đã được khẳng định chắc chắn không nhiễm HIV, hai người có dùng bao cao su trong tất cả các lần quan hệ tình dục. Và tốt nhất là đôi vợ chồng này có đủ điều kiện kinh tế để đảm bảo cuộc sống cho đứa con trong tương lai.

Dù hiệu quả chưa đạt 100% nhưng sự có mặt của phương pháp trên vẫn đem lại nguồn hy vọng lớn cho những người đàn ông nhiễm HIV. Nhiều người trong số họ nhiễm bệnh khi chưa kịp có con. Anh Trung là một ví dụ. Người đàn ông 32 tuổi này rất xót xa khi nghĩ đến lúc mình bỏ lại người vợ trẻ bơ vơ một mình, trong khi chị khao khát có được đứa con của anh như kỷ niệm về một tình yêu sâu nặng. 

"Về phần tôi, cũng như bao người đàn ông khác, tôi không muốn biến mất khỏi thế giới này mà chưa để lại một 'dấu vết' của riêng mình, đó là đứa con. Nó là sự nối tiếp cuộc sống của tôi" - Trung tâm sự. Nỗi ao ước này khiến vợ chồng anh nhiều phen định đánh bạc với số phận bằng cách liều thụ thai theo cách tự nhiên, bởi không phải đứa trẻ nào có bố hoặc mẹ nhiễm HIV cũng mắc bệnh. Tuy nhiên, họ đã kiềm chế được và tiếp tục chờ đợi, nuôi hy vọng.

Vợ chồng Trung đang cố gắng "cày cuốc" và dành dụm để có tiền đi Thái Lan thụ tinh nhân tạo. Anh chị rất mừng khi biết tin Việt Nam cũng có thể thực hiện lọc rửa tinh trùng.

"Tôi tin rằng trong tương lai không xa, kỹ thuật này ở Việt Nam cũng sẽ có hiệu quả cao không kém nước khác, và mong ước làm cha của những người có cảnh ngộ như tôi sẽ không còn là viễn cảnh quá xa vời" - Trung nói.

Thanh Nhàn

* Tên người có HIV trong bài đã được thay đổi.

Theo Vnexpress
  • 2.710