Lờn kháng sinh: Báo động!

  •  
  • 2.039

Trong buổi làm việc với Vụ Điều trị - Bộ Y tế tuần qua, dược sĩ Nguyễn Xuân Cẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cảnh báo tình trạng vi khuẩn không còn nhạy với kháng sinh (lờn kháng sinh) hiện ở mức báo động, 70% - 85%, thậm chí có loại kháng đến 90%!

Một ca khám viêm đường hô hấp trên tại BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM)

Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cho biết không ít bệnh nhân điều trị tại Khoa hồi sức đã tử vong do đề kháng với một số loại kháng sinh hiện có. Một nghiên cứu mới đây của BV Nhi Đồng 2 về sự nhạy cảm kháng sinh cho thấy đa số các vi khuẩn được phân lập như Klebsiella pneumoniae, Enterobacter, Escherichia Coli (E.Coli)... đã đề kháng hoặc có độ nhạy rất thấp đối với kháng sinh Ampicilin (riêng vi khuẩn E.Coli không chỉ đề kháng với một mà nhiều loại kháng sinh).

Một khảo sát trong năm 2005 và 2006 của BV Nhi Trung ương cũng cho thấy tỉ lệ các chủng của E.Coli kháng thuốc cao với Ampicilin (95%), Trimethoprim-sulphamethoxasol (85%) Chloramphenicol (65%) và Nalidixic acid (46%). Trước đây, Trimethoprim-sulphamethoxasol được xem là chọn lựa số một trong điều trị bệnh lỵ thì nay thuốc gần như không áp dụng trong điều trị bệnh này nữa!

Mất tiền, tử vong vì lờn thuốc

Theo bác sĩ Hạnh Lê, với những bệnh nhân đã bị kháng nhiều loại kháng sinh, khi mắc bệnh phải dùng đến kháng sinh mạnh hơn mới có hiệu quả. Nhưng kháng sinh mạnh thường có giá rất cao, vài trăm ngàn đồng một lọ, dùng một ngày vài lọ, chưa kể bệnh nặng còn phải dùng phối hợp với những kháng sinh khác, lên đến 1 - 2 triệu đồng/ngày, một chi phí quá lớn đối với nhiều người.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết cơ thể con người luôn có những vi khuẩn thường trú trong họng, ruột... nên nếu sử dụng kháng sinh không đúng cách, thuốc không còn nhạy với vi khuẩn. Muốn điều trị được, lại phải dùng thuốc kháng sinh nặng hơn.

Cứ như thế, đến một lúc nào đó sẽ không còn thuốc nào diệt được vi khuẩn thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Hiện nay, thế giới đang lo ngại chủng vi khuẩn S.Aureus (tụ cầu khuẩn vàng) gây nhiễm trùng máu, viêm cơ, viêm phổi đã kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh. Bác sĩ Thượng cho biết, hiện nay S.Aureus chỉ còn nhạy với một loại kháng sinh duy nhất là Vancomycin. Nếu kháng sinh này bị lờn nữa thì các bác sĩ cũng đành bó tay!

Tại bác sĩ, tại bệnh nhân

Cần đến lương tâm của thầy thuốc

Theo bác sĩ Trần Hữu Nhơn, Trưởng Khoa Nội tổng hợp 1 BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM), bác sĩ cần cân nhắc trước khi ghi toa thuốc cho bệnh nhân. Nếu xác định nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi thì không cần dùng đến thuốc kháng sinh. Đối với một bệnh nhân không biết, lại có tâm lý thích dùng kháng sinh thì bác sĩ phải giải thích cho người bệnh hiểu rõ. Bác sĩ Nhơn cho biết, nguyên tắc dùng thuốc kháng sinh là phải dùng từ loại nhẹ đến loại nặng để tránh bị lờn thuốc. Dùng thuốc đúng cách cũng là lương tâm của người thầy thuốc.

Qua các nghiên cứu về mức độ kháng thuốc cũng như kinh nghiệm trong quá trình điều trị, giới chuyên môn nhận xét tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như do bác sĩ thích “đánh nhanh, thắng nhanh” nên đã kê những loại kháng sinh mạnh trong khi bệnh có thể điều trị bằng nhiều loại nhẹ hơn.

Một nguyên nhân khác tạo ra lờn thuốc là bệnh nhân có thói quen tự mua thuốc về nhà uống, uống không đúng liều lượng, thích sử dụng thuốc nặng, đắt tiền mà không cần biết tác nhân gây bệnh là gì. Bác sĩ Tăng Chí Thượng cho biết kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị những bệnh do vi khuẩn, thế nhưng bệnh có thể do siêu vi khuẩn hoặc vi khuẩn gây ra. Có trường hợp khởi đầu bệnh là do siêu vi, nhưng vài ba ngày sau bệnh chuyển nặng, bội nhiễm thêm vi khuẩn, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng vậy nên nhiều bác sĩ đã có tâm lý “thà đánh nhầm còn hơn bỏ sót”, sử dụng kháng sinh để bề gì cũng... khỏi bệnh!

Nhưng “nói đi cũng phải nói lại”, một bác sĩ chuyên khoa nhiễm lâu năm trong nghề cho biết nhiều bệnh nhân cũng có tâm lý sính dùng thuốc kháng sinh mắc tiền, vì thế khi thấy bác sĩ kê toa không có kháng sinh, liền phản ứng: “Không có kháng sinh thì sao khỏi bệnh được”. Vì lý do này, hiện nay một số bác sĩ có phòng mạch tư đã dùng chiêu kê những loại kháng sinh thật mạnh để “hút”... bệnh nhân. Thấy uống thuốc xong bệnh khỏi ngay, họ hài lòng, rỉ tai nhau đổ xô đến khám, nào biết cách điều trị này sẽ chỉ mang đến tác hại là thuốc nhanh chóng bị lờn.

Thùy Dương

Theo báo Người Lao Động, Thanh niên
  • 2.039