Lý giải chuyện mùa lạnh làm bạn "dính chặt lấy giường"

Vì sao con người ngủ nhiều hơn trong điều kiện thời tiết lạnh?
  •  
  • 3.090

Theo chuyên gia, sự thay đổi ánh sáng vào mùa Đông có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của chúng ta nên ngủ nhiều hơn có thể giúp bạn tỉnh táo trước lịch trình yêu cầu bạn phải ra ngoài khi trời tối.

Trong tiết trời lạnh, con người ta thường có xu hướng ngủ nhiều hơn so với bình thường. “Nếu bạn muốn ngủ nhiều hơn vào mùa Đông, bạn không đơn độc” - Tiến sỹ Raj Dasgupta, Phó Giáo sư Y học Lâm sàng tại Bệnh viện Huntington Memorial ở Pasadena, California (Mỹ), cho biết.

Ông trích dẫn nghiên cứu cho thấy ít nhất một phần ba số người Mỹ trưởng thành cho biết họ ngủ nhiều hơn vào mùa Đông.


Thời tiết nói chung và mùa đông nói riêng có ảnh hưởng nhất định tới con người. (Ảnh minh họa: USA Today).

Dasgupta, đồng thời là Phó Giám đốc Chương trình Nội trú tại Huntington, cho biết: “Nhu cầu ngủ của hầu hết người trưởng thành là từ bảy đến chín giờ mỗi đêm, và điều đó luôn ổn định cho dù bên ngoài trời lạnh hay tối đến mức nào”.

“Tuy nhiên, bạn thường có cảm giác như mình ngủ nhiều hơn trong mùa Đông vì thực tế là chúng ta mất đi một giờ ánh sáng ban ngày khi bước vào giờ tiêu chuẩn. Điều này có liên quan đến việc bóng tối bắt đầu sớm hơn”.

Từ những tác động…

Thời tiết nói chung và mùa đông nói riêng có ảnh hưởng nhất định tới con người, từ sức khỏe cho tới tinh thần. Tác động ấy đôi khi không rõ ràng, song nếu để ý kỹ tới giấc ngủ, bạn sẽ phải thốt lên kinh ngạc khi nhận ra chúng.

Lý giải chuyện mùa lạnh làm bạn "dính chặt lấy giường"

Cụ thể, phó giáo sư, tiến sĩ Michael Decker thuộc ĐH Georgia, Mỹ đã chỉ ra 6 tác động cơ bản và điển hình nhất của mùa đông lên giấc ngủ mỗi chúng ta.

Thứ nhất, thời tiết lạnh của mùa đông khiến con người tìm cách sưởi ấm khi ngủ: dùng chăn, lò sưởi…

Tuy nhiên, khi ngủ, cơ thể tự động điều tiết nhiệt độ cân bằng với nhiệt độ trong phòng. Do đó, nếu sử dụng lò sưởi quá ấm thì không tốt cho giấc ngủ một chút nào bởi con người ngủ tốt và sâu hơn khi thời tiết mát mẻ.

Thứ hai, mùa đông tới mang theo đặc trưng thời tiết lạnh lẽo, bầu trời xám xịt, ảm đạm và thiếu ánh nắng. Chính sự thay đổi này khiến con người bị lệch nhịp sinh học, có xu hướng ngủ sớm hơn và dậy muộn hơn. Điều đó đồng nghĩa vào mùa đông, con người muốn ngủ nhiều hơn so với các mùa khác trong năm.

Lý giải chuyện mùa lạnh làm bạn "dính chặt lấy giường"

Thứ ba, cái lạnh buốt giá khi đông về khiến con người tiêu thụ năng lượng nhanh hơn, do đó chúng ta thường xuyên cảm thấy đói bụng và có xu hướng ăn ngon miệng và nhiều hơn bình thường. Một bữa ăn no căng sẽ giúp cơ thể làm ấm từ bên trong nhưng nếu ngủ trong trạng thái đó thì bạn sẽ thấy ậm ạch, khó tiêu, thậm chí gây mất ngủ.

Thứ tư, các nghiên cứu đều chứng minh rằng, tập thể dục sẽ giúp bạn có một giấc ngủ sâu hơn. Tuy nhiên, vào mùa đông, con người có cảm giác lười biếng, hay mệt mỏi và không muốn tập thể dục. Điều này hạn chế khả năng có những giấc ngủ tốt cho mỗi cá nhân.

Thứ năm, khi trời lạnh, chui ra khỏi chăn mỗi sáng sớm là điều không hề đơn giản. Đó là lý do vì sao vào mùa đông, tần suất ngủ nướng vào dịp cuối tuần tăng mạnh.

Lý giải chuyện mùa lạnh làm bạn "dính chặt lấy giường"
Mùa đông dễ khiến chúng ta dễ ngủ ngáy hơn.

Thứ sáu, mùa đông dễ khiến con người ta ngủ ngáy hơn. Bởi không khí khô hanh khiến độ ẩm trong mũi người xuống rất thấp. Phản ứng tự nhiên khi đó của cơ thể là mở miệng. Do đó, chuyện ngáy ngủ là điều tất yếu xảy ra. Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng khiến không ít người bị sổ mũi, cảm cúm và gây nên tình trạng mất ngủ không ít.

… tới lý giải khoa học thú vị…

Đâu là nguyên nhân chính của tất cả các tác động, ảnh hưởng kể trên? Qua nhiều nghiên cứu khoa học, các chuyên gia hàng đầu đã tìm được lời giải.

Theo đó, vào mùa đông, lượng ánh sáng và nhiệt Trái đất nhận được từ Mặt trời là ít hơn bình thường. Điều này làm cho thời gian ban ngày ngắn đi và thời gian ban đêm dài ra. Hiện tượng này gây biến đổi đồng hồ sinh học của chúng ta ở những khía cạnh nhất định.

Lý giải chuyện mùa lạnh làm bạn "dính chặt lấy giường"

Mặt khác, giấc ngủ của con người do một hormone trong não kiểm soát có tên là melatonin. Hormone này được tuyến tùng sản xuất theo sự ảnh hưởng của chu kỳ ngày đêm. Bóng tối làm cho cơ thể sản sinh melatonin nhiều hơn, báo hiệu giờ đi ngủ và ngược lại, ánh sáng làm giảm lượng melatonin tiết ra và là chuông báo thức tự nhiên của mỗi chúng ta.

Trong tình hình thời tiết thay đổi, melatonin tiết ra nhiều hơn vào mùa đông vì trời rất mau tối, do đó khiến con người ngủ nhiều hơn, hay lâm vào trạng thái mệt mỏi, không muốn vận động cũng là điều dễ hiểu.

… và bí kíp năng động cho một mùa đông lạnh…

Để vượt qua cái giá lạnh của mùa đông một cách năng động, tự tin, hãy làm theo những bí quyết khoa học sau đây:

Lý giải chuyện mùa lạnh làm bạn "dính chặt lấy giường"

Đầu tiên, thiết lập một kế hoạch cá nhân chi tiết cụ thể, đặc biệt là cho việc tập thể dục. Chơi thể thao khoảng 150 phút/tuần có tác dụng làm giảm mệt mỏi do mùa đông gây nên đồng thời cũng giúp bạn giữ được vóc dáng quyến rũ và có một giấc ngủ sâu hơn.

Tiếp theo, tham gia nhiều hoạt động ngoài trời vào ban ngày hay mặc quần áo sáng màu. Ánh sáng bên ngoài sẽ làm giảm đáng kể tần suất tiết melatonin của tuyến tùng, từ đó giúp giảm mệt mỏi, uể oải rất nhanh chóng.

Lý giải chuyện mùa lạnh làm bạn "dính chặt lấy giường"

Cuối cùng, hãy lựa chọn một chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các vitamin thiết yếu, đặc biệt là vitamin D - loại chất dinh dưỡng vốn được tổng hợp từ ánh sáng Mặt trời. Ăn uống no và đủ chất sẽ giúp cơ thể giữ ấm từ bên trong và có thêm sinh lực để hoạt động năng nổ trong một ngày dài.

Cập nhật: 29/01/2024 Theo PLXH/Vietnam+
  • 3.090