Máu đông còn đàn hồi hơn cao su

  •  
  • 179

Phát hiện này có thể làm chúng ta ngạc nhiên nhưng nó đã được các nhà khoa học tại Mỹ chứng minh. Họ cũng phát hiện máu đông có thể kéo căng dài hơn và chắc hơn mạng nhện.

Các tiểu huyết cầu và fibrin đang kết dính lại trong quá trình đông máu

Các tiểu huyết cầu và fibrin đang kết dính lại trong quá trình đông máu (Ảnh: Science)

Những dữ kiện trên khiến cho cả các bác sĩ cũng phải kinh ngạc và mở ra một cánh cửa mới trong việc điều trị, ngăn ngừa chứng máu vón cục cũng như chứng máu không đông.

Được biết, máu đông khi những sợi fibrin (một loại protein) kết dính lại với các tiểu huyết cầu. Máu có khả năng đông lại là điều cực kỳ quan trọng đối với tất cả chúng ta, để giúp làm lành vết thương và ngăn chặn sự xuất huyết.

Cùng lúc, tình trạng máu vón cục một cách bất thường có thể giết chết bệnh nhân, ngăn cản dòng lưu thông của máu trong các động mạch, từ đó gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc các chứng bệnh nguy hiểm khác.

Trong cuộc nghiên cứu kể trên, các nhà nghiên cứu tại Trường đại học Duke (Mỹ) nhận thấy các sợi fibrin có thể kéo căng gấp 4 lần chiều dài của nó và nếu thả ra, nó sẽ ngay lập tức trở lại chiều dài ban đầu. Khả năng đàn hồi của fibrin còn “siêu” hơn cao su.

Còn nếu so với mạng nhện, các nhà khoa học nhận thấy fibrin có thể kéo dài hơn và bền chắc hơn. Cũng xin được nhắc lại rằng lâu nay, giới khoa học vẫn không ngừng nghiên cứu để tạo ra các loại sợi nhân tạo bắt chước đặc tính bền chắc như mạng nhện, từ đó nâng cao chất lượng của những sản phẩm đại loại như áo chống đạn.

Một khi phát hiện được độ bền chắc, đàn hồi của máu đông, các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc “chặt đứt” nó, giúp chữa trị cho những người bị máu vón cục. Trước mắt, các khoa học gia đã nói đến khả năng tạo ra một thiết bị sử dụng sóng siêu âm để phá vỡ cấu trúc của máu vón cục.

Theo Thanh Niên
  • 179