Người ta vừa khám phá, máu ở người phụ nữ trong chu kỳ kinh có chứa một loại tế bào gốc có khả năng sao chép cao hơn rất nhiều so với các tế bào gốc lấy từ máu dây rốn và tủy xương.
Theo một nghiên cứu mang tính đột phá, các chuyên gia ở Mỹ đã phát hiện trong trong những tế bào làm dày thành tử cung trong chu kỳ kinh nguyệt có chứa một loại tế bào gốc mới, được gọi là “tế bào tái tạo màng trong tử cung” (Endometrial Regenerative Cells – ERC).
A: Hình thái của những tế bào máu đơn nhân được phân lập từ máu kinh nguyệt; B: Hình thái của những tế bào máu đơn nhân sau 2 tuần nuôi cấy; C: Số lượng tế bào được sao chép sau 1 tuần; D: Số lượng tế bào được sao chép sau 2 tuần (Ảnh: BioMed Central) |
Nghiên cứu này được thực hiện bởi tiến sĩ Xiaolong Meng thuộc Viện Nghiên cứu Thông tin sinh học ở Wichita, Kansas, và các cộng sự từ Phòng thí nghiệm Medistem và các trường Đại học Alberta và Western Ontario.
Tiến sĩ Meng cho biết: “Hiện nay, chúng ta đang gặp nhiều khó khăn trong các liệu pháp sử dụng tế bào gốc, như những tế bào lấy từ tuỷ xương. Những tế bào này có thể bị thải loại bởi cơ thể người được ghép và có khả năng hạn chế trong việc tạo ra tế bào mới. Giờ đây, chúng tôi đã có thể khắc phục những khó khăn đó bằng cách sử dụng tế bào từ máu kinh nguyệt của phụ nữ khoẻ mạnh”.
ERC có thể được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm với qui mô lớn, có khả năng sao chép 70 lần trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tốc độ tái tạo này nhanh hơn rất nhiều so với những tế bào được lấy từ máu dây rốn và tủy xương.
Không chỉ có tốc độ sao chép rất cao trong một chu kỳ khoảng 20 giờ, ERC còn tạo ra những nhân tố phát triển ở mức gần 100.000 lần cao hơn những tế bào gốc lấy từ máu dây rốn.
Theo nhóm nghiên cứu, chỉ 5 ml máu kinh nguyệt được lấy từ một người phụ nữ khoẻ mạnh cũng cung cấp đủ lượng tế bào gốc để sản xuất tế bào tim sau 2 tuần nuôi cấy.
Quang Thịnh