Màu sắc giúp phân biệt giới tính

  •  
  • 1.361

Não của chúng ta có chức năng nhận biết giới tính dựa trên đặc điểm khuôn mặt và màu sắc, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Vision. Giáo sư tâm lý học Frédéric Gosselin và nhóm nghiên cứu của đại học Université de Montréal phát hiện rằng màu sắc của vùng miệng và lông mày rất quan trọng trong việc nhận biết giới tính nhanh chóng.

Nicolas Dupuis-Roy, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Khi ở độ tuổi thanh thiếu niên, sự khác biệt giới tính tăng ở phần mũi, cằm, miệng, hàm, mắt và hình dáng chung của khuôn mặt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào não nhận biết những sự khác biệt đó”.

Để phát hiện điều này, Dupuis-Roy và các đồng nghiệp cho 30 người tham gia nghiên cứu xem 300 bức ảnh người Cáp-ca. Những người tham gia được yêu cầu nhận biết giới tính dựa trên những bức ảnh mà một số phần của khuôn mặt bị che khuất sử dụng một công nghệ gọi là Bubbles.

 

Trong nghiên cứu của đại học Université de Montréal, các đối tượng nghiên cứu được yêu cầu nhận biết giới tính dựa trên những bức ảnh mà nhiều phần của khuôn mặt bị che khuất, sử dụng một công nghệ gọi là Bubbles. (Ảnh: Nicolas Dupuis-Roy -- Université de Montréal / Journal of Vision)

Nghiên cứu phát hiện rằng mắt và miệng, đặc biệt là hình dáng và màu sắc, đặc biệt quan trọng trong việc nhận biết giới tính. Không giống những nghiên cứu trước đây cho rằng khoảng cách giữa mí mắt và lông mày là yếu tố để nhận biết giới tính, nghiên cứu này phát hiện rằng hình dáng của những vùng đỏ và xanh quanh miệng và mắt dẫn tới sự phân biệt giới tính.

Dupuis-Roy cho biết: “Các nghiên cứu cho thấy một khuôn mặt được nhận biết là nam nếu nước da đỏ hơn, và là nữ nếu nước da xanh hơn. Tuy nhiên, điều này lại ngược lại ở phần miệng. Miệng của phụ nữ thường đỏ hơn, và não của chúng ta hiểu đặc điểm này là phụ nữ”.

Ông thêm vào: “Khuôn mặt của đàn ông thường phản xạ ít ánh sáng hơn quanh vùng lông mày. Điều này là vì lông mày của họ thường rậm hơn. Điều tương tự xảy ra ở những phần như môi trên và cằm”. 

G2V Star (Theo PhysOrg)
  • 1.361