Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tel Aviv (Israel) vừa đề xuất kế hoạch triệt tiêu virus trên Internet bằng một mạng lưới gồm nhiều hệ thống phòng chống tự động. Họ tin rằng những tệp tin “cấp cứu” từ mạng này sẽ phát tán nhanh hơn các chương trình tấn công.
Trọng tâm của dự án này là một lưới liên kết gồm nhiều máy tính gọi là các “hũ mật ong”, được thiết kế để giả dạng là những PC chưa được vá lỗi và nhử virus lộ diện. Những computer này sẽ thu hút virus tấn công và tự động tạo ra một file chữ ký của phần mềm độc hại, sau đó phát tán giải pháp khắc phục ngay tức thời ra toàn mạng. Tất cả các “hũ mật ong” khác trong mạng sẽ được cập nhật tự động file cấp cứu và cùng tung ra hành động đối phó.
Các tác giả của kế hoạch cho rằng đề xuất của họ không tốn nhiều chi phí và có thể mở rộng một cách thuận tiện. Mạng lưới này càng lớn thì sức mạnh bảo vệ của nó càng được tăng lên. Nhóm nghiên cứu của Đại học Tel Aviv khẳng định những tệp tin chống virus có thể phát tán nhanh hơn cả bản thân những chương trình tấn công.
“Hạn chế lớn nhất của việc tung ra các chương trình ngăn chặn lây lan chính là sự chậm trễ hơn so với virus”, Eran Shir, đồng tác giả của kế hoạch, cho biết. “Chúng tôi đưa ra giải pháp cung cấp ‘văcxin’ chống virus theo hướng làm cho 'thuốc' phải có ưu thế so với 'bệnh'. Cụ thể là tệp tin khắc phục có thể truyền nhanh qua mạng có liên kết tương hỗ và do đó cho phép công cụ chống virus ngăn chặn sự bùng phát một cách hiệu quả”.
Những thử nghiệm ban đầu cho thấy nếu mạng bảo vệ có khoảng 50.000 nút (node), tức là các máy tính tham gia mạng, và 0,4% số máy tính này đóng vai trò các “hũ mật ong” thì 5% mạng sẽ bị lây nhiễm trước khi hệ thống phòng dịch ngăn chặn được virus. Tuy nhiên, nếu mạng có 200.000.000 nút với cùng tỷ lệ máy trong vai trò “hũ mật” như trên thì mức PC bị lây nhiễm sẽ chỉ còn 0,001%.