Mộ tập thể hé lộ thảm kịch sau vụ đắm tàu 400 năm trước

  •  
  • 1.522

Khu mộ mới phát hiện trên đảo Beacon có thể mang đến nhiều thông tin quý giá về cuộc thảm sát xảy ra sau tai nạn đắm tàu Batavia.

Các nhà khảo cổ tìm thấy một ngôi mộ tập thể chứa hài cốt của 5 hành khách trên tàu Batavia ở đảo Beacon, Tây Australia, National Geographic hôm 7/12 đưa tin. Batavia là tàu của công ty Đông Ấn Hà Lan, bị đắm trong hành trình đầu tiên từ Hà Lan đến đảo Java năm 1629.

5 hài cốt được chôn cất ngay ngắn thành hàng và không có dấu hiệu bạo lực. Điều này cho thấy, có thể họ chết ngay lúc tàu đắm, trước khi cuộc thảm sát tàn khốc xảy ra giữa những người sống sót.

Các nhà khảo cổ từng phát hiện rất nhiều dấu vết bạo lực trong các phần mộ tìm thấy trước đó. Trong số này có một bộ hài cốt bị mất phần trên của hộp sọ do kiếm chém đứt. Thi thể người này sau đó bị kéo lê đến nơi chôn cất cuối cùng.

Thảm kịch xảy ra khi tàu Batavia va vào dải đá Morning Reef gần đảo Beacon tháng 6/1629. Khi con tàu bắt đầu chìm, phần lớn những người sống sót đã kịp thời bơi lên đảo. Francisco Pelsaert, chỉ huy tàu, cũng dạt vào một hòn đảo nhỏ gần đó.

Khi thấy đây chỉ là những hòn đảo hoang cằn cỗi, Pelsaert dẫn theo một số người đến Batavia, hay thủ đô Jakarta, Indonesia ngày nay, để tìm kiếm sự giúp đỡ, thức ăn và nước uống. Họ để lại 282 người trên đảo. Tuy nhiên, thảm kịch kinh hoàng đã xảy ra trong ba tháng ông vắng mặt.

Tàu Batavia đắm ngay trong chuyến hành trình đầu tiên.
Tàu Batavia đắm ngay trong chuyến hành trình đầu tiên. (Ảnh: National Geographic).

Một thương nhân tên là Jeronimus Cornelisz bắt đầu nổi dậy nắm quyền. Cornelisz lên kế hoạch chiếm tàu từ trước nhưng chưa kịp thực hiện thì vụ đắm xảy ra. Ông ta cùng những kẻ đồng lõa buộc bất cứ người nào có khả năng chống đối mình đi đến những đảo khác tìm nước uống.

Bắt đầu với những ai yếu hoặc bị thương, nhóm nổi loạn của Cornelisz tiến hành chém giết những người sống sót không nương tay. Kể cả phụ nữ và trẻ em cũng không thoát khỏi cuộc thảm sát. Cornelisz thậm chí còn giữ lại một số phụ nữ để cưỡng bức và tra tấn.

Sự tàn bạo này chỉ kết thúc khi một số người đàn ông mà Cornelisz phái đi các đảo khác khuất phục được Cornelisz. Khi Pelsaert trở lại, Cornelisz và nhiều tay chân của ông ta đã bị hành quyết.

Tổng cộng có 115 người chết sau vụ đắm tàu, trong đó nhiều người bị giết hại một cách dã man. Đảo Beacon giờ mang tên "Nghĩa địa tàu Batavia". Một số phương tiện truyền thông còn gọi nơi này là "Đảo sát nhân".

"Đúng là một câu chuyện kỳ dị phải không? Tôi chưa từng đọc thứ gì tồi tệ như thế", Jeremy Green, nhà khảo cổ biển tại bảo tàng Tây Australia, người nghiên cứu thảm kịch tàu Batavia hơn 40 năm, nhận xét.

Những kẻ nổi loạn gây ra một vụ thảm sát trên đảo Beacon sau khi tàu đắm.
Những kẻ nổi loạn gây ra một vụ thảm sát trên đảo Beacon sau khi tàu đắm. (Ảnh: National Geographic).

Ngôi mộ vừa được khai quật trên đảo Beacon có giá trị khoa học rất lớn. Vì Pelsaert đã công khai những ghi chép của mình sau sự việc nên các nhà khảo cổ có thể so sánh các phát hiện mới với bản ghi chép chi tiết này.

Việc phát hiện xác tàu Batavia năm 1963 đã thúc đẩy Tây Australia thông qua các luật bảo vệ di tích khảo cổ dưới nước, Green cho biết. Khi đó các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một số hài cốt trên đảo Beacon. Tuy nhiên, phải đến hai thập kỷ sau họ mới phát hiện thêm các nạn nhân trong vụ thảm sát.

Cuối những năm 1980, ngư dân trên đảo Beacon tình cờ thấy những mẩu xương người khi đang đào ống nước trong phòng tắm. Năm 1994, các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật khu vực này. Họ tìm thấy hài cốt của ba người lớn, một thiếu niên, một trẻ em và một trẻ sơ sinh.

Các nhà khảo cổ tiếp tục tìm kiếm những phần mộ khác trong nhiều năm tiếp theo. "Ba năm qua, có tất cả 10 người được phát hiện ở khu vực trung tâm đảo Beacon trong dự án nghiên cứu của chúng tôi và đem lại nhiều thông tin mới giá trị", giáo sư Daniel Franklin đến từ Đại học Tây Australia cho biết.

5 hài cốt trong ngôi mộ tập thể mới được phát hiện.
5 hài cốt trong ngôi mộ tập thể mới được phát hiện. (Ảnh: National Geographic).

Liesbeth Smits, nhà nhân loại học tại Đại học Amsterdam, dự định phân tích thành phần cấu tạo chính xác của các hài cốt mới phát hiện để tìm ra thức ăn chủ yếu và quê hương của họ.

Trước đó, nhờ các kỹ thuật này, bà phát hiện rằng tàu Batavia neo đậu tại cảng Hà Lan nhưng nhiều hành khách lại đến từ Scandinavia, Anh, Pháp hay Đức. Nguyên nhân là những năm 1620, châu Âu đang chìm trong chiến tranh, Hà Lan khi đó cũng đang chiến đấu chống lại Tây Ban Nha để giành độc lập. Do vậy, việc đặt chân lên tàu Batavia trở thành một lối thoát.

Cuộc nghiên cứu về những hành khách xấu số này vẫn đang tiếp diễn. Green cho biết, nhóm nghiên cứu sẽ công bố các tài liệu phân tích những phát hiện mới vào năm sau, hé lộ thêm nhiều thông tin về thảm kịch xảy ra cách đây gần 4 thế kỷ.

Cập nhật: 12/12/2017 Theo VnExpress
  • 1.522