Một lỗi phần mềm nghiêm trọng suýt gây ra chiến tranh thế giới lần thứ 3

  •   52
  • 2.444

Ngày 26/9/1983, Stanislav Petrov, một trung tá trong lực lượng Phòng không Liên Xô, được phân công làm nhiệm vụ ở boongke Serpukhov-15 gần Matxcova, nơi đặt trung tâm chỉ huy các vệ tinh cảnh báo sớm của Liên Xô, mật danh Oko. Trách nhiệm của Petrov là quan sát mạng lưới vệ tinh cảnh báo sớm và báo cáo cho cấp trên nếu phát hiện bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân nào nhắm vào Liên Xô.

Nếu nhận được thông báo từ hệ thống cảnh báo sớm, Liên Xô sẽ ngay lập tức phản công hạt nhân.

Sau nửa đêm, các máy tính trong boongke gửi thông báo về một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ phía Mỹ đang hướng tới Liên Xô. Sau đó, máy tính phát hiện thêm 4 tên lửa nữa cũng từ phía Mỹ hướng về Liên Xô.

Nếu không có sự "can gián" cương quyết của trung tá Petrov, chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ nổ ra
 Nếu không có sự "can gián" cương quyết của trung tá Petrov, chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ nổ ra và rất nhiều người sẽ thiệt mạng.

Các lãnh đạo Liên Xô ngay lập tức chuẩn bị phương án đối phó với động thái của Mỹ. Tuy nhiên, trung tá Petrov một mực khẳng định rằng những thông báo của máy tính là không chính xác. Petrov cho rằng các cảnh báo mà máy tính đưa ra chỉ là báo động giả, do lỗi phần mềm.

Dù không có biện pháp trực tiếp để chứng minh hệ thống cảnh báo bị lỗi nhưng Petrov đã làm hết sức để ngăn các lãnh đạo cấp cao ra lệnh phản kích. Petrov lập luận rằng nếu phía Mỹ muốn tấn công, họ sẽ phóng hàng trăm tên lửa cùng lúc với mục đích vô hiệu hóa đối thủ ngay lập tức chứ không chỉ phóng có 5 tên lửa.

Petrov chia sẻ rằng anh được huấn luyện cũng như bản thân anh tin rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ đều khởi đầu với quy mô lớn. Vì thế, phóng 5 tên lửa tới Liên Xô để phát động chiến tranh là điều phi logic. Bên cạnh đó, vì hệ thống cảnh báo mới được triển khai nên Petrov cho rằng nó chưa hoàn toàn đáng tin cậy, trước đó cũng từng bị lỗi vài lần.

Sau đó, những kiểm tra chuyên sâu đã phát hiện ra rằng các báo động giả này xuất phát từ việc phần mềm hệ thống cảnh báo có lỗi. Lỗi này khiến một góc tương tác nhất định giữa ánh sáng mặt trời trên các đám mây trên cao và quỹ đạo của vệ tinh Molniya bị hiểu lầm thành tín hiệu có tên lửa đang phóng tới Liên Xô. Lỗi này được khắc phục bằng cách tham chiếu chéo kết quả với một vệ tinh địa tĩnh.

Với sự cương quyết của Petrov và cộng với việc hệ thống radar trên mặt đất không phát hiện ra điều gì bất thường sau đó, phía Liên Xô đã hủy các kế hoạch phản kích. Nếu Liên Xô tiến hành phản kích, chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ ngay lập tức nổ ra, không thể vãn hồi. 1983 là năm mà mối quan hệ giữa Liên Xô và Mỹ căng thẳng tột độ. Bất cứ hành động gây hấn nào cũng có thể khiến chiến tranh nổ ra trên quy mô lớn.

Sau này, Stanislav Petrov được vinh danh là người cứu thế giới. Ông mất vào năm 2017.

Cập nhật: 07/09/2020 Theo QTM
  • 52
  • 2.444