Cuộc xâm lược của Mông Cổ đã giúp nước Nga hình thành như thế nào?

  •  
  • 1.556

Nhiều người cho rằng người Tatar Mông Cổ xâm lược Nga khi Nga là một quốc gia đơn nhất. Nhưng nghĩ như vậy là sai. Bởi vì nhà nước Nga chỉ thực sự hình thành để đối phó với cuộc xâm lược đó, kháng cự lại và lật đổ ách thống trị của Mông Cổ. Chính Pyotr Đại đế đã chính thức chấm dứt tình trạng người Nga phải cống nộp cho các Hãn (Khan) của Mông Cổ.

Thân vương Yaroslav II của xứ Vladimir đã bị vợ của Hãn Guyuk đầu độc. Ở tuổi 67, Thân vương Mikhail của thành Chernigov bị hành quyết ở kinh thành của Hãn quốc Kim Trướng (Mông Cổ) vì đã từ chối thờ phúng các biểu tượng của Mông Cổ. Thân vương Mikhail xứ Tver bị móc tim cũng ở thành phố trên.

Dân chúng Nga bị buộc phải cống nộp nặng nề, còn các thân vương Nga chỉ được phép cai trị các lãnh địa công tước của mình với sự cho phép của vua Hãn quốc Kim Trướng. Đây là cách đế chế Mông Cổ cai trị các nhóm người Nga.

Bức tranh mô tả cảnh một thân vương Nga quỳ gối trước Hãn Batu để cầu xin sự nhân từ
Bức tranh mô tả cảnh một thân vương Nga quỳ gối trước Hãn Batu để cầu xin sự nhân từ, được lưu giữ trong Thư viện Quốc gia Nga. (Ảnh: Getty Images).

Chuyện thật (dù khó tin) là chính những diễn biến trên đã thúc đẩy việc hình thành nhà nước Nga thống nhất.

Sử gia Nga Nikolay Karamzin (1766-1826) viết: “Moskva có được sự vĩ đại là nhờ vào các Hãn”.

Vào lúc Mông Cổ xâm lược các vùng đất của người Nga, người Mông Cổ đã có nhiều tiến bộ cả về quân sự và hệ thống quản trị. Chỉ có đoàn kết mới giúp người Nga lật đổ được sự thống trị của người Mông Cổ.

Điều gì thúc đẩy Mông Cổ xâm lược các vùng đất Nga?

Thành Cát Tư Hãn (1155-1227) – người sáng lập ra Đế chế Mông Cổ, cử con trai Jochi (1182-1227) đến chinh phục các xứ mà ngày nay là Siberia, Trung Nga, và Đông Âu. Các đội quân khổng lồ của các chiến binh Mông Cổ (trên 100.000 lính – con số lớn nếu tính thời điểm thế kỷ 13) dễ dàng đánh bại các lực lượng quân sự nhỏ yếu của các thân vương Nga – những người vốn đã gây chiến với nhau ngay trước khi có cuộc xâm lược của Đế chế Mông Cổ.

Vào năm 1237, quân Mông Cổ do Hãn Batu chỉ huy, xâm lược “Rus” (một liên bang lỏng lẻo của một số tộc người, trên vùng đất gồm đất của nước Nga ngày nay). Quân Mông Cổ đã cướp phá, tàn phá, và đốt tất cả các thành phố chính của người Nga. Cuộc xâm lược kéo dài đến năm 1242 và là một đòn giáng mạnh vào các xứ Nga. Phải mất gần 100 năm thì các xứ Nga mới phục hồi hoàn toàn sau các hư hại do quân đội Mông Cổ gây ra. Các xứ Nga và thành phố Nga ở miền nam như Kiev, Chernigov, và Halych bị thiêu rụi sạch. Các xứ ở phía Bắc và Đông, đáng chú ý nhất là Tver, Moskva, Vladimir, và Suzdal nổi lên thành các thành phố chính sau cuộc xâm lăng của người Mông Cổ.

Tuy nhiên, người Mông Cổ không muốn chinh phục hoàn toàn các xứ Nga này mà họ chỉ muốn có nguồn cống nạp ổn định. Và họ biết cách để đạt được mục đích đó.

Cách cai trị của Mông Cổ hiệu quả như thế nào?

Năm 1243, Thân vương Yaroslav II của thành Vladimir là thân vương Nga đầu tiên được phép cai trị – ông ta được triệu tới gặp Hãn Batu, thề trung thành với vị Hãn này, và được gọi là “thân vương lớn nhất của toàn thể người Nga”.

Lễ tuyên thệ trung thành với người Mông Cổ rất giống với nghi lễ của Pháp. Nét riêng là các thân vương Nga đôi khi phải đi bằng gối tới ngai vàng của Hãn và nhìn chung bị đối xử như kẻ ở chiếu dưới.

Chính sách cai trị của người Mông Cổ có một nội dung quan trọng là bảo vệ các nhà thờ Chính thống giáo của Nga, không bao giờ tàn phá các nhà thờ và bảo đảm an toàn cho giới tăng lữ Nga.

Người Mông Cổ có đội ngũ thu thuế sống ở các thành phố Nga – những người này là tuyến đầu thu và kiểm soát các khoản cống nạp. Mông Cổ điều tra dân số tại các công quốc mà họ cai trị để hỗ trợ việc thu cống nạp.

Số tài sản cống nạp ban đầu được gửi đến Đế chế Mông Cổ. Sau năm 1266, khi “Hãn quốc Kim Trướng” của người Tatar-Mông Cổ tách ra khỏi đế chế này thì các khoản cống nạp được gửi tới thủ đô Saray của Hãn quốc Kim Trướng. Mãi sau này, sau nhiều cuộc nổi loạn và với các lời cầu xin của các thân vương Nga, việc thu cống nạp này mới được chuyển giao cho bản thân các thân vương Nga.

Người Nga tìm cách lợi dụng chính người Mông Cổ

Trên thực tế, Mông Cổ không bao giờ duy trì quân đội thường trực ở các xứ Nga. Nhưng nếu người Nga nổi dậy chống lại chế độ cai trị của Mông Cổ thì lập tức quân đội Mông Cổ sẽ được huy động đến để đàn áp.

Các Hãn Mông Cổ xảo quyệt và khôn khéo về chính trị đã thao túng người Nga, kích động hận thù và chiến tranh giữa họ để người Mông Cổ dễ bề kiểm soát những tiểu quốc yếu ớt và bị chia rẽ.

Nhưng rồi theo thời gian, các thân vương Nga phát hiện ra thủ thuật này của Mông Cổ và bắt đầu “tương kế tựu kế”.

Trong suốt một thế kỷ, vô số chiến dịch quân sự đã diễn ra giữa người Mông Cổ và người Nga. Vào năm 1328, công quốc Tver nổi dậy chống lại quân Mông Cổ, giết chết người họ hàng của Hãn Uzbek. Tver đã bị Hãn quốc Kim Trướng đốt cháy và hủy diệt. Điều đáng nói là các thân vương Moskva và Suzdal đã tiếp tay cho người Mông Cổ.

Trong cuộc chiến giữa các công quốc, các thân vương Moskva hiểu rằng phải có ai đó dẫn dắt cuộc đối đầu với người Mông Cổ, bằng cách ép các thân vương khác quy phục mình. Sau sự sụp đổ của Tver, Ivan I “Kalita” của xứ Moskva trở thành vị thân vương đầu tiên thu cống nạp từ các xứ người Nga thay cho đại diện của Mông Cổ – đây là phần thưởng mà Mông Cổ ban cho ông ta vì đã giúp sát hại những người đồng hương (nhưng lại là kẻ thù của ông ta).

Sự trợ giúp nói trên của Ivan I “Kalita” đã dẫn tới thời kỳ “hòa bình 40 năm” nổi tiếng, trong đó quân Mông Cổ không tấn công các mảnh đất của Moskva mà chỉ tàn phá các công quốc khác. Moskva đã lợi dụng thất bại của các thân vương khác để thu lợi cho bản thân.

Người Nga nhanh chóng học hỏi những điều hay của người Mông Cổ, như hợp đồng dưới dạng văn bản, hệ thống các trạm yam trên đường – ban đầu do Thành Cát Tư Hãn áp dụng cho nhiều mục đích như: nơi ở tạm cho người đi đường xa, nơi giữ ngựa thừa cho người đưa tin của quân đội, v.v.. Hệ thống này đã được người Mông Cổ thiết lập trên các xứ Nga để phục vụ người Mông Cổ nhưng cuối cùng lại được người Nga vận dụng cho chính mình để kết nối các lãnh thổ rộng lớn.

Chế độ cai trị của Mông Cổ sụp đổ ra sao?

Điều mà các thân vương Moskva học được từ những người Mông Cổ tàn nhẫn là họ phải hoặc giết chết kẻ thù hoặc vô hiệu hóa chúng để chúng không còn khả năng trả thù.

Cùng với sự lớn mạnh của các thân vương Moskva, Hãn quốc Kim Trướng rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị.

Năm 1378, Thân vương Dmitry của Moskva, còn gọi là Donskoy (1350-1389), đã lần đầu tiên sau một thời kỳ dài lâu, đè bẹp được một trong các đội quân của Hãn quốc Kim Trướng.

Vào năm 1380, Dmitry Donskoy sau khi ngừng cống nộp cho Hãn quốc Kim Trướng đã đánh bại đội quân của Hãn Mamay (đông tới 60.000-110.000 lính) trong trận đánh Kulikovo – chiến thắng này đã làm nức lòng người dân tất cả các xứ Nga.

Tuy nhiên, vào năm 1382, Tokhtamysh – một Hãn khác của Kim Trướng bị tan rã, đã cho phóng hỏa thiêu rụi Moskva.

Trong khoảng 100 năm sau đó, các xứ Nga lại phải thi thoảng cống nạp cho các Hãn khác nhau của Kim Trướng. Nhưng vào năm 1472, Ivan Đại đế của xứ Moskva (1440-1505) đã một lần nữa từ chối cống nạp cho người Mông Cổ Tatar. Lần này, Đại Công quốc Moskva thực sự to lớn. Ivan và cha mình đã thu gom đất đai và các thân vương, bắt họ phải quy phục Moskva.

Ahmed bin Kuchuk, Hãn của Hãn quốc Kim Trướng, phát động một cuộc chiến tranh chống lại Ivan. Nhưng sau trận đối đầu nổi tiếng ở sông Ugra vào năm 1480, Ahmed đành chấp nhận quay về quê hương. Trận chiến nói trên đánh dấu sự kết thúc chế độ cai trị và kiểm soát của người Mông Cổ đối với Nga, tuy nhiên việc cống nạp vẫn được duy trì. Nga tiếp tục gửi tiền bạc và vật phẩm có giá trị tới nhiều vùng khác nhau của Hãn quốc Kim Trướng nhằm duy trì hòa bình với các chiến binh Tatar.

Nga đã cống nạp cho nhiều triều đại của Hãn quốc Kim Trướng, đến tận năm 1685.

Theo Hiệp ước Constantinople giữa Sa quốc Nga và Đế chế Ottoman, việc cống nạp chỉ chính thức bị Pyotr Đại đế cấm vào năm 1700. Hãn xứ Krym là vị hãn cuối cùng mà Nga cống nạp.

Hiệp ước trên do Pyotr ký vào năm 1700. Pyotr là vị sa hoàng vĩ đại cuối cùng của Moskva và là vị Hoàng đế đầu tiên của Nga.

Cập nhật: 04/11/2024 VOV
  • 1.556