Một số bệnh lý ở hốc mắt thường gặp

  •   4,52
  • 17.056

Các triệu chứng thường gặp của bệnh ở hốc mắt: mi sưng, mắt lồi và nhìn hình đôi (song thị). Đôi khi có kèm theo cả đau nhức và giảm thị lực. Trong đó, lồi mắt và hạn chế vận nhãn là dấu hiệu chính, dễ nhận biết.

Hốc mắt là một hốc xương hình tháp, đỉnh hướng về phía sau, đáy mở rộng ra phía trước do xương sọ và các xương mặt cấu tạo nên. Các tổ chức mềm của hốc mắt không áp trực tiếp vào màng xương mà được bọc bởi cân. Như vậy các quá trình bệnh lý có thể tiến triển hoặc ở trong hoặc ở ngoài cân.

Tổ chức hốc mắt bao gồm: bao tenon bọc quanh nhãn cầu từ vùng rìa giác mạc tới thị thần kinh. Từ bao tenon tới thành hốc mắt và tổ chức mỡ có nhiều sợi một phần nào giúp cho nhãn cầu đứng ở một vị trí nhất định và dễ vận chuyển khi các cơ hoạt động; các cơ vận nhãn gồm 4 cơ thẳng và 2 cơ chéo; hệ thống tĩnh mạch hốc mắt; hệ thống bạch huyết. Đó là những yếu tố giữ cho nhãn cầu đứng ở một vị trí nhất định trong hốc mắt, khi có biến đổi do bệnh hốc mắt gây ra thì ta dễ dàng nhận biết nó.

Dưới đây là một số bệnh lý ở hốc mắt thường gặp:

Bệnh mắt do tuyến giáp (bệnh graves): gây lồi

Lồi mắt trong bệnh graves

Lồi mắt trong bệnh graves
(Ảnh: TTO)

mắt. Người bệnh thường cảm thấy không đau trừ khi có bệnh lý hở giác mạc. Mắt của người bệnh thường lồi cả hai bên một lúc. Cắt lớp vi tính thấy cơ vận nhãn dày ra nhưng không kết hợp với tổn thương gân, cơ.

Giả u viêm hốc mắt: người bệnh thường bị đau, có sốt nhưng số lượng bạch cầu vẫn bình thường. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy cơ vận nhãn dày ra và có kết hợp với tổn thương gân cơ. Củng mạc, mỡ hốc mắt và tuyến lệ cũng có thể bị ảnh hưởng. Bệnh cấp tính thường đáp ứng tốt với steroid toàn thân.

Viêm mô tế bào hốc mắt: bệnh nhân thường có sốt và tăng bạch cầu. Chụp cắt lớp vi tính thường thấy có viêm xoang, nhất là xoang sàng.

U hốc mắt: khi thăm khám, bác sĩ có thể sờ nắn thấy khối u hốc mắt. Nhãn cầu có thể bị di lệch ra xa vị trí khối u. Đám u tổn thương được nhìn thấy rõ hơn khi chụp cắt lớp vi tính.

Chấn thương: như xuất huyết nhãn cầu, dị vật trong hốc mắt. Cả hai đều xảy ra lúc bị chấn thương, tuy nhiên dị vật có thể chưa gây ra các dấu hiệu ở hốc mắt trong một thời gian dài. Do đó, để chẩn đoán chính xác cần có một số biện pháp hỗ trợ như siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính.

Viêm mạch máu hốc mắt: như bệnh u hạt wegener, viêm đa động mạch có nốt... Khi bị bệnh, người bệnh thường có dấu hiệu và triệu chứng toàn thân, đặc biệt là ở các xoang, thận, phổi và bệnh ở da, người bệnh có sốt, tốc độ lắng máu tăng nhiều.

Bệnh nấm mucorales: bệnh biểu hiện ở hốc mắt, mũi và bệnh xoang ở người mắc bệnh tiểu đường, suy giảm miễn dịch hoặc suy yếu toàn thân. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Giãn tĩnh mạch: tĩnh mạch giãn rộng trong hốc mắt gây lồi mắt khi nó đầy máu và giãn nở. Khi nó không ứ đầy máu thì không lồi mắt. Hình ảnh cắt lớp vi tính cho thấy rõ tĩnh mạch giãn to. Nếu chụp cắt lớp vi tính không thấy hình ảnh giãn tĩnh mạch mà vẫn có những dấu hiệu nghi ngờ thì cần chụp tĩnh mạch.

Khi bệnh nhân bị lồi mắt cũng cần phân biệt lồi mắt bệnh lý do bệnh toàn thân và các biến đổi của hốc mắt gây ra với lồi mắt giả. Lồi mắt giả có thể gặp trong các trường hợp sau:

Hình dạng và kích thước nhãn cầu không bình thường: cận thị nặng do trụ (nhất là khi cận thị một bên). Glôcôm bẩm sinh, còn gọi là mắt trâu, nhãn cầu tích nước, giãn lồi giác mạc hoặc cả giác - củng mạc.

- Kích thước và hình dạng hốc mắt hai bên khác nhau do bẩm sinh hoặc hậu đắc.

- Khối lượng tổ chức mỡ tăng nhiều ở những người béo phì và người có tuổi.

Ngược lại với triệu chứng lồi mắt là trường hợp nhãn cầu có kích thước và hình dạng bình thường nhưng thụt vào hốc mắt. Đỉnh giác mạc so với bờ ngoài hốc mắt có khoảng cách ngắn hơn bình thường khoảng 2-9mm. Lõm mắt giả thường có trong các trường hợp mắt nhỏ, giác mạc nhỏ, teo nhãn cầu, viễn thị nặng, phù mi hoặc bệnh nhân gầy yếu quá.

Trên đây là một vài bệnh lý liên quan đến hốc mắt. Bệnh cảnh lâm sàng thì vô cùng đa dạng. Việc điều trị cũng tùy thuộc vào từng bệnh lý riêng biệt ở hốc mắt. Khi nghi bị bệnh ở hốc mắt, người bệnh cần đến đúng cơ sở chuyên khoa mắt để được xác định đúng bệnh lý và có phương pháp điều trị phù hợp.

Theo Sức khỏe & đời sống, TTO
  • 4,52
  • 17.056