Một số điểm cần lưu ý trong chăn nuôi thỏ

  •   3,211
  • 33.313

Chăn nuôi thỏ có nhiều lợi thế do chi phí đầu tư thấp, tận dụng được các phế phụ phẩm nông nghiệp, lao động nhàn rỗi, lao động phụ. Thỏ thuộc loại đẻ khỏe, phát triển nhanh. Một thỏ mẹ nặng 4 - 5kg trong một năm có thể sản xuất ra 90 - 140 kg thịt, hiệu suất cao hơn nhiều so với các loài gia súc khác.

Nhiều người thường tìm hiểu cách nuôi thỏ để sinh sản nhanh hay cách nuôi sao cho thỏ lớn nhanh để có hiệu quả kinh tế cao. Nhưng, điều quan trọng mà bạn cần biết khi nuôi thỏ chính là phải biết được đặc tính của thỏ cũng như cách làm chuồng, cách chọn giống và lựa chọn thức ăn như thế nào cho thỏ phát triển tốt nhất.

Về cơ bản, thỏ thuộc loại dễ nuôi, tuy nhiên để nuôi thỏ đạt hiệu quả cao cần chú ý các vấn đề sau đây:

1. Đặc tính cần biết khi nuôi thỏ

Thỏ hầu như là loại động vật duy nhất có khả năng tự tổng hợp vitamin cho cơ thể.
Thỏ hầu như là loại động vật duy nhất có khả năng tự tổng hợp vitamin cho cơ thể.

Không riêng gì nuôi thỏ mà khi nuôi bất cứ loài động vật nào thì bạn cũng cần biết đến đặc tính của chúng. Như vậy thì bạn mới biết được cách nuôi và chăm sóc được tốt nhất. Khi chọn nuôi thỏ thì bạn phải biết rằng:

  • Thỏ là động vật nhút nhát, sợ tiếng động và là con mồi của nhiều loài động vật khác.
  • Muốn có được cách nuôi thỏ hiệu quả thì bạn phải biết là thỏ có cấu trúc tiêu hóa rất đặc biệt.
  • Thỏ hầu như là loại động vật duy nhất có khả năng tự tổng hợp vitamin cho cơ thể và nó cũng là loài ăn rau củ mà thôi.
  • Răng thỏ cần được mài thường xuyên vì chúng dài lên rất nhanh.
  • Nuôi thỏ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao vì chúng có nhu cầu sinh sản cũng rất cao. Trong năm thì mùa sinh sản của chúng kéo dài từ tháng 1 đến tháng 8.

2. Chọn giống nuôi thỏ

Thực ra thì chọn giống khi nuôi thỏ không khó. Chỉ cần thỏ khỏe mạnh, không bị bệnh hay dị tật là được. Bạn nên chọn thỏ giống ở các gia đình quen biết thì sẽ có chất lượng cao hơn. Nếu bạn muốn biết thỏ như thế nào là khỏe mạnh thì có thể dựa vào các đặc điểm phân biệt sau:

  • Chọn nuôi thỏ giống có cơ thăn, lưng phẳng, khoẻ mạnh, bắp đùi, mông phải chắc chắn và đầy đặn.
  • Ngoài ra, nhiều người cũng thường có xu hướng chọn thỏ có dáng vẻ linh hoạt, mũi khô, mắt sáng sủa, chân và tai sạch sẽ không có vẩy; lông óng mượt và mềm mại.
  • Trong kỹ thuật nuôi thỏ thì việc chọn thỏ giống để có khả năng sinh sản cao nhất nên chọn những con có trọng lượng đạt 1,4 – 1,8 kg lúc 3 tháng tuổi.

3. Vấn đề thức ăn và nước uống cho thỏ

Do đặc điểm của dạ dày thỏ là co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Manh tràng có dung tích lớn và có khả năng tiêu hóa chất xơ nhờ hệ vi sinh vật. Vì vậy, cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt, để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thỏ, vừa có tác dụng chống đói và đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường. Thức ăn thô xanh cho thỏ phải được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng. Những loại rau lá có hàm lượng nước lớn như bắp cải, khoai lang…, sau khi rửa cần phơi tái cho bớt nước trước khi cho thỏ ăn.

Cho thỏ ăn thức ăn nghèo chất xơ hoặc thức ăn chứa nhiều nước, thức ăn không tươi, bị dập nát dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa như chướng bụng đầy hơi hoặc ỉa chảy và thỏ có thể bị chết.

Cũng cần lưu ý là thỏ thiếu nước còn nguy hiểm hơn thiếu thức ăn, đặc biệt là đối với thỏ đẻ và tiết sữa. Không cung cấp đầy đủ nước uống cho thỏ dẫn đến tình trạng thiếu sữa hoặc thậm chí thỏ mẹ ăn thịt thỏ con. Trong thời gian nuôi con nên cho thỏ mẹ uống thêm nước đường hoặc ăn mía để nhanh phục hồi cơ thể, tiết nhiều sữa và đàn con phát triển tốt.

4. Vấn đề sinh sản của thỏ

Tùy theo giống, thỏ có thể thành thục tính dục lúc 3 - 4 tháng tuổi. Để đề phòng hiện tượng cắn xé nhau và giao phối tự do, dẫn đến tình trạng giảm trọng hoặc rối loạn sinh sản, khi thỏ được 3 tháng tuổi nên nhốt riêng thỏ đực với thỏ cái.

Không nên cho thỏ phối giống ngay khi thỏ động dục lần đầu mà nên chờ đến 5 - 6 tháng tuổi, lúc thỏ đạt 75 - 80% khối lượng của thỏ trưởng thành. Cho phối giống trước 5 tháng tuổi thì đàn con đẻ ra sẽ yếu ớt, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của thỏ bố mẹ.

Do đặc điểm của thỏ là trứng chỉ rụng sau khi giao phối 9 - 10 giờ nên trong thực tế, để tăng số trứng được thụ tinh và tăng số con đẻ ra, nên áp dụng phương pháp phối giống bổ sung, tức là phối lại lần thứ hai sau lần thứ nhất từ 6 đến 9 giờ.

Khi cho thỏ phối giống cũng cần chú ý là bắt thỏ cái đến lồng thỏ đực mà không nên làm ngược lại, vì khi lạ chỗ thỏ đực khó làm quen với thỏ cái và thỏ cái thường kháng lại thỏ đực.

Để tránh đồng huyết, không để thỏ đực phối với thỏ cái cùng gia đình.

5. Vấn đề làm lồng và chuồng nuôi thỏ

Thỏ là loài gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh
Thỏ là loài gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh.

Cần phải làm lồng nuôi thỏ. Lồng thỏ bảo đảm phải chắc chắn, thỏ không chui lẫn đàn, tránh được chuột tấn công và chăm sóc thuận tiện.

Phải làm ổ đẻ có nắp đậy cho thỏ. Sau khi thỏ đẻ, mỗi ngày chỉ nên đưa ổ đẻ vào lồng thỏ mẹ một lần để cho con bú, tránh hiện tượng thỏ mẹ chui vào ổ ỉa đái, bới ổ và dẫm đạp lên đàn con.

Thỏ là loài gia súc nhạy cảm với các tác nhân ngoại cảnh. Thỏ có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể thải nhiệt chủ yếu qua đường hô hấp. Khi nhiệt độ không khí tăng trên 35 độ C và kéo dài, thỏ rất dễ bị cảm nóng. Do các đặc điểm này lồng nuôi thỏ cần đặt tại những vị trí thoáng, mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

Trong trường hợp chăn nuôi thỏ quy mô lớn cần xây dựng chuồng trại cẩn thận. Chuồng trại phải đảm bảo thông thoáng và dễ làm vệ sinh. Trong trường hợp nuôi thỏ quy mô gia đình, có thể đặt lồng dưới gốc cây có bóng mát ngoài vườn, đầu nhà, có mái che chống được mưa, nắng, gió lùa. Không nên đặt lồng thỏ trong chuồng lợn hoặc chuồng gà, vừa ngột ngạt, hôi thối, vừa dễ lây lan dịch bệnh.

6. Vấn đề vệ sinh phòng trị bệnh

Thỏ là loài gia súc yếu, sức đề kháng cơ thể kém, dễ cảm nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch. Để hạn chế tối đa tổn thất kinh tế do dịch bệnh, điều rất quan trọng trong chăn nuôi thỏ là tạo ra môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi hợp vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Cụ thể, hàng ngày cần làm vệ sinh lồng nuôi, chuồng nuôi; định kỳ sát trùng lồng, chuồng, máng ăn, máng uống, ổ đẻ; cần cung cấp cho thỏ đầy đủ thức ăn và nuớc uống sạch sẽ, chất lượng tốt.

Các bệnh thỏ thường mắc là bệnh bại huyết, bệnh ghẻ, bệnh cầu trùng ..v..v. Cách sử dụng các loại thuốc để phòng trị các bệnh này như sau:

Đối với bệnh bại huyết: Tiêm vắc xin để phòng bệnh bại huyết cho thỏ con lúc 2 tháng tuổi. Đối với thỏ sinh sản, tiêm định kỳ 6 tháng 1 lần.

Đối với bệnh ghẻ: Điều trị: Dùng Ivermectin 0,7 ml/3kg thể trọng hoặc dùng Dextomax 0,1 ml/3kg thể trọng.

Đối với bệnh cầu trùng: 

  • Phòng bệnh: vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Sử dụng thuốc Anticoc, HanE3 bằng 1/2liều điều trị.
  • Điều trị bệnh: thuốc Anticoc, HanE3: 0,1-0,2g/kg thể trọng.
Cập nhật: 23/04/2020 Theo Trung tâm khuyến nông Quốc Gia/nongnghiepmoi
  • 3,211
  • 33.313