Vị vua lừng lẫy chinh phục hơn 5 triệu km2 trên 3 châu lục

  •   4,73
  • 10.370

Alexander Đại đế là vua của Vương quốc Macedonia, Hy Lạp cổ đại, từ năm 336 đến 323 trước Công nguyên (TCN). Trong suốt thời gian lãnh đạo, ông đã tái thống nhất Hy Lạp, chinh phục Đế quốc Ba Tư. Với chiến công lừng lẫy, Alexander Đại đế được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tài giỏi nhất và nhà cai trị quyền lực nhất lịch sử, theo trang History.

Tranh minh họa Alexander Đại đế - một trong những vị vua tài ba nhất lịch sử cổ đại.
Tranh minh họa Alexander Đại đế - một trong những vị vua tài ba nhất lịch sử cổ đại.

Ước mơ thành chiến binh

Alexander Đại Đế được sinh ra ở Vương quốc Macedonia thuộc Hy Lạp cổ đại vào ngày 20 tháng 7 năm 356 (TCN), con của vua Philip II và Nữ hoàng Olympia.

Lớn lên, Alexander hầu như không bao giờ gặp cha, người dành phần lớn thời gian tham gia các chiến dịch quân sự. Ông bắt đầu học toán, cưỡi ngựa và bắn cung.

Năm 343 TCN, vua Philip II thuê triết gia Aristotle dạy học cho Alexander. Trong suốt ba năm, Aristotle dạy Alexander triết học, thơ, kịch, khoa học và chính trị. Ngay lúc đó, triết gia đã nhận thấy Alexander có mơ ước trở thành một chiến binh anh hùng.

Alexander hoàn thành chương trình học vào năm 340 TCN. Một năm sau, trong khi vẫn chỉ là thiếu niên, ông trở thành lính và bắt tay vào cuộc chinh phạt đầu tiên chống lại bộ lạc Thracian. Năm 338, Alexander phụ trách một đội quân và giúp cha đánh bại kẻ thù.

Ngay từ nhỏ, Alexander đã có mơ ước trở thành một chiến binh anh hùng.
Ngay từ nhỏ, Alexander đã có mơ ước trở thành một chiến binh anh hùng.

Khi Philip II thành công trong chiến dịch thống nhất các thành bang của Hy Lạp cổ đại (trừ Sparta), liên minh hai cha con sớm tan rã.

Philip II cưới Cleopatra Eurydice, cháu gái của Tướng Attalus, khiến mẹ Alexander không còn là nữ hoàng.

Hai mẹ con Alexander buộc phải rời Macedonia, về ở với gia đình mẹ cho đến khi Alexander và vua Philip II hòa giải được những khác biệt của họ.

Vua của Macedonia

Một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời Alexander Đại đế là cái chết của cha ông. Năm 336 TCN, vua Philip II bị ám sát.

Alexander, lúc đó 19 tuổi, quyết định giành ngôi vua bằng bất cứ cách nào. Ông nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của quân đội Macedonia, những vị tướng và binh lính từng chiến đấu cùng ông.

Quân đội tuyên bố Alexander là vua nhưng ông không ngay lập tức nắm được quyền kiểm soát toàn bộ vùng đất vốn đang rất bất ổn sau cái chết của nhà vua.

Bằng tài năng thiên bẩm, chàng trai trẻ 19 tuổi năm đó đã dẹp loạn, tái thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại trước khi lên đường chinh phục Đế chế Ba Tư khổng lồ.

Chàng trai trẻ 19 tuổi năm đó đã dẹp loạn, tái thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại
Bằng tài năng thiên bẩm, chàng trai trẻ 19 tuổi năm đó đã dẹp loạn, tái thống nhất các thành bang Hy Lạp cổ đại trước khi lên đường chinh phục Đế chế Ba Tư khổng lồ. (Tranh minh họa).

Với đội quân bao gồm 32.000 bộ binh và 5.100 kỵ binh, vua của Macedonia - Alexander Đại đế đánh chiếm các lãnh thổ của Đế chế Ba Tư ở Tiểu Á, Syria, Ai Cập mà không thua bất cứ trận nào.

Ông hành quân đến bán đảo Tiểu Á năm 334 TCN và chiếm thành phố Baalbek, theo trang Ancient.eu.

Năm 333 TCN, vị hoàng đế bất khả chiến bại tiếp tục chinh chiến các mảnh đất mới, bao gồm Syria và Ai Cập, nơi ông thành lập một thành phố mới tên Alexandria – nơi được thiết kế là trung tâm văn hoá và thương mại Hy Lạp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà sử học, chiến thắng vĩ đại nhất của ông là trận Gaugamela – cuộc đối đầu cuối cùng với quân đội hùng mạnh của Đế quốc Ba Tư.

Trận Gaugamela huyền thoại

Alexander gặp quân đội Ba Tư ở vùng đồng bằng Gaugamela, gần Irbil, Iraq ngày nay.

Quân đội Macedonia của ông phát hiện ánh sáng từ các trại tập trung, nơi chứa khoảng 100.000 lính Ba Tư.

Tướng lĩnh khuyên Alexander đánh úp quân Ba Tư nhưng ông không nghe theo. Nhà vua không muốn lợi dụng tình hình và muốn đánh bại vua Ba Tư Darius III trong trận chiến sòng phẳng. Chỉ như vậy, vua Ba Tư mới không bao giờ dám tấn công quân đội Macedonia lần nữa, theo trang History.

Hai đội quân gặp nhau trên chiến trường vào sáng hôm sau, ngày 1 tháng 10 năm 331 TCN. Số quân Ba Tư áp đảo quân Macedonia (khoảng 100.000 và 47.000 người).

Chiến thắng vĩ đại nhất của Alexander là trận Gaugamela
Chiến thắng vĩ đại nhất của Alexander là trận Gaugamela – cuộc đối đầu cuối cùng với quân đội hùng mạnh của Đế quốc Ba Tư. (Ảnh minh họa).

Đầu tiên, nhà vua ra lệnh cho cung thủ, lính ném đá và kỵ binh tấn công cánh trái của quân đội Ba Tư. Quân Ba Tư cũng lao vào phần giữa của quân Macedonia nhưng bị ngăn chặn.

Kỵ binh bên cánh trái của Darius sau đó bị cuốn vào cuộc chiến do Alexander khởi xướng, để lại lực lượng bộ binh bị “hở” ở giữa.

Tận dụng “lỗ hở” này, Alexander và kỵ binh lao vào tấn công người Ba Tư cũng như vua đối thủ. Darius bỏ chạy và sự hoảng loạn lan truyền khắp đội quân, dẫn đến sự thua cuộc của quân đội Ba Tư.

Sau cuộc chiến, phía Macedonia chỉ mất khoảng 700 người trong khi quân Ba Tư mất 20.000 người. Alexander chiếm Babylon, thủ đô Persepolis của Ba Tư, và từ đó trở đi tuyên bố là vua của châu Á.

Bốn tháng sau, quân Macedonia đốt cháy cung điện hoàng gia ở Persepolis, kết thúc đế chế Ba Tư cổ đại.

Nhà quân sự đại tài

Sự tài ba của vị vua vĩ đại đã được nhiều nhà sử học ghi chép lại. Ông không chỉ là người dũng cảm kiệt xuất mà còn khôn ngoan và tôn trọng binh lính.

Khi ra trận, Alexander luôn là người dẫn đầu và có thể dễ dàng bị phát hiện. Điều này khiến ông trở thành mục tiêu của kẻ thù nhưng cũng truyền cảm hứng cho quân đội của ông.

Tượng của Alexander Đại đế được đặt tại nhiều bảo tàng trên thế giới.
Tượng của Alexander Đại đế được đặt tại nhiều bảo tàng trên thế giới.

Theo trang Changing minds, nhà vua thực sự can đảm và đã bị thương nhiều lần nhưng không bao giờ rời binh lính trên chiến trường. Ông từng nói: "Việc sống với lòng dũng cảm và chết đi để lại danh tiếng là điều tuyệt vời".

Nhà vua tôn trọng binh lính của mình và chưa bao giờ phản bội sự tin tưởng của họ. Vị vua vĩ đại chiến đấu bên cạnh lính, ăn cùng họ và từ chối uống nước khi không có đủ cho tất cả mọi người.

Khi ra trận, Alexander thường bày binh theo hình mũi tên - điều ông tin rằng sẽ khiến đội hình vững vàng hơn và đối phương khó có thể đâm thủng.

Sức mạnh lớn nhất của quân đội Alexander có lẽ là tính linh hoạt, theo Documentarytube. Là chiến thuật gia vĩ đại, Alexander thường xuyên điều chỉnh chiến thuật ngay trong trận chiến. Vì binh linh vẫn cần di chuyển nhanh chóng từ vị trí này sang vị trí khác, ông cho họ mặc áo giáp nhẹ.

Ngoài ra, Alexander cũng rất ham học hỏi, theo trang Acient.eu. Trong khi chinh phạt, ông luôn cố gắng tìm hiểu về vùng đất mới. Nhà vua đưa các nhà khoa học đi theo để ghi chép và phân tích nhiều thông tin như sinh vật học, sinh học, động vật học, khí tượng học, địa hình và tận dụng những thông tin này để thắng trận.

Alexander luôn ra trận cùng binh lính của mình.
Alexander luôn ra trận cùng binh lính của mình.

Về chiến lược quân sự, Alexander được đánh giá là vị vua khôn ngoan. Khi trị vì vương quốc, ông khá cẩn thận trong việc giảm thiểu mọi nguy cơ bất ổn. Ông đối xử tốt với các tù nhân chính trị và nhìn thấy lợi thế của việc đoàn kết hay vì chia rẽ. Là chính trị gia giỏi, Alexander thông thạo nhiều thứ tiếng, do đó, có khả năng thuyết phục và thao túng tài tình. Ông cũng đặc biệt cẩn thận khi đối xử với các nhân vật tôn giáo, theo Changing minds.

Tuy nhiên, vị vua vĩ đại thường rất tàn nhẫn với những người chống đối. Khi thành phố Thebes nghe tin đồn ông bị giết trong cuộc chiến miền bắc, họ nổi dậy. Alexander sau đó diễu hành lực lượng đến thành phố trong suốt 13 ngày, giết hàng ngàn người và cho những người còn lại làm nô lệ.

Tổng kết lại, trong vòng 8 năm, với cương vị là vua, người chỉ huy, chính trị gia, học giả và nhà thám hiểm, Alexander đưa đội quân của mình đi xa gần 18.000 km, thành lập hơn 70 thành phố và tạo ra đế chế trải dài trên ba châu lục, bao phủ hơn 5 triệu km2.

Alexander Đại đế qua đời vì bệnh sốt rét ở Babylon (nay là Iraq), vào ngày 13 tháng 6 năm 323 TCN. Lúc đó ông mới 32 tuổi.

Cập nhật: 14/07/2024 Theo Dân Việt
  • 4,73
  • 10.370