Mưa axit không phải lúc nào cũng có hại

  •   52
  • 2.086

Khi mưa axit giảm đi, các vi sinh vật trong suối, sông và đất có cơ hội thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, sự thiếu vắng các trận mưa axit cũng có thể gây ra nhiều vấn đề với môi trường, các nhà khoa học cảnh báo.

"Đó là những kết quả mà chúng ta không mong đợi", David DeWalle, một chuyên gia về môi trường tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), phát biểu. "Lượng carbon dioxide ngày càng tăng trong sông, suối và đất có ảnh hưởng to lớn tới hệ sinh thái rừng và sự cân bằng carbon nói chung".Carbon dioxide hòa tan là sản phẩm của hoạt động hô hấp ở sinh vật và quá trình phân hủy của các chất hữu cơ. Đó là loại khí gây quá trình axit hóa ở các nguồn nước tinh khiết.

Cảnh tượng tại một khu rừng sau trận mưa axit.

Cảnh tượng tại một khu rừng sau trận mưa axit. (Ảnh: terradaily.com)

DeWalle và các cộng sự đã theo dõi 5 dòng suối ở dãy núi Appalachian (Mỹ) từ năm 1990 tới nay. Họ tìm hiểu những tác động của tình trạng giảm nồng độ sulfur - một trong những tác nhân chủ yếu gây mưa axit. Nguyên nhân khiến nồng độ khí sulfur giảm là đạo luật Clean Air nhằm giảm tình trạng ô nhiễm không khí của chính quyền Mỹ.

Nhờ có đạo luật này, trong những năm qua, chất lượng nước đã được cải thiện và lượng khí nitơ trong các dòng suối cũng giảm xuống. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lại phát hiện ra rằng lượng carbon dioxide đang tăng lên ở cả 5 dòng suối. Họ cho rằng tình trạng suy giảm những chất gây ô nhiễm đang tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn trong lòng đất sinh sôi.

Trong quá trình phát triển, vi khuẩn phân hủy các hợp chất hữu cơ, giải phóng ra carbon dioxide, nước và những chất hữu cơ hòa tan khác, DeWalle giải thích. Do bị vi khuẩn hấp thụ, các hợp chất hữu cơ không thể hòa tan vào nước. Quá trình hô hấp của vi khuẩn làm tăng nồng độ carbon dioxide trong đất.

Sự xáo trộn của hệ sinh thái các khu rừng ở dãy núi Appalachia - nơi trú ngụ ở nhiều loài vi sinh vật và cũng là nơi tạo ra việc làm cho nhiều người - có thể gây nên những hậu quả môi trường và kinh tế tai hại.

"Mặc dù sự suy giảm nồng độ nitơ và sulfur là một dấu hiệu tích cực, song nó đã tác động tới hệ sinh thái rừng. Lượng CO2 trong đất ngày càng tăng nghĩa là một ngày nào đó, loại khí gây hiệu ứng nhà kính này sẽ thoát ra khỏi đất và quay trở lại bầu khí quyển", DeWalle nhận định.

Việt Linh

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 52
  • 2.086