Mùa hè nguy hiểm với người cao huyết áp

  •  
  • 965

Tiết trời mùa hè làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch cho bệnh nhân cao huyết áp. Bạn có thể giảm nguy cơ này nếu làm theo 3 nguyên tắc dưới đây. 

 

Không khát cũng phải chăm uống nước


Vào mùa hè, sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, dễ dẫn đến những bệnh lý có liên quan đến máu, làm tăng tỷ lệ nguy cơ cho tim và não.

Thực tế cho thấy, rất nhiều bệnh nhân cao huyết áp không nhận thức được việc phải bổ sung nhiều nước cho cơ thể. Họ thường nghĩ nếu không khát nước thì không có lý do gì phải uống; đây chính là một sai lầm vô cùng tai hại. Cảm giác khát là một phản ứng khá mạnh của hệ thần kinh đối với tình trạng thiếu nước của cơ thể. Khi chúng ta cảm thấy khát thì chứng tỏ cơ thể đã bị mất nước khá nghiêm trọng.

Vì vậy, vào mùa hè, bệnh nhân cao huyết áp nên uống nhiều nước và uống đều đặn, không nên đợi đến lúc khát mới uống, để giảm được độ kết dính trong máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Nên tạo thói quen uống 1 ly nước sau khi thức dậy vào buổi sáng và 1 ly trước lúc đi ngủ ban đêm.

Nên dùng nước trắng đun sôi để nguội hoặc đã tiệt trùng, tránh dùng các loại nước giải khát có đường hay nước đóng chai có gas. Bệnh nhân cao huyết áp không nên uống nhiều các thức uống có đường mà có thể thay bằng các loại trà thảo dược thanh nhiệt như trà hoa cúc, trà kỷ tử, trà xanh…

Thời tiết nóng cũng cố gắng vận động

(Ảnh: Istockphoto)Khi thời tiết nóng bức, dù vận động ít, cơ thể cũng sẽ ra nhiều mồ hôi, điều này khiến nhiều bệnh nhân cao huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi thường ngại vận động, đi lại. Thực tế, vận động sẽ giúp mạch máu co giãn và đàn hồi tốt, làm tăng tính bền của thành mạch máu. Vì thế có người đã ví sự vận động chính là “tập thể dục cho mạch máu”.

Trong mùa hè nóng nực, người bệnh cao huyết áp nên cố gắng vận động. Quan trọng là biết tập luyện điều độ, phân bổ hợp lý về cường độ và thời gian tập. Từ tuổi trung niên trở đi, nên vận động toàn thân với nhịp độ chậm vừa, không nên tập nặng. Có thể chọn các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền, lên xuống cầu thang, đi xe đạp chậm, đi bộ…

Du lịch cũng là một loại hình vận động hiệu quả, nhưng bệnh nhân cao huyết áp có tiền sử tim mạch thì tốt nhất không nên đi du lịch đến những vùng đồi núi cao. Trước khi đi du lịch, cần kiểm tra xem đã đem đầy đủ các loại thuốc giảm áp cần thiết chưa.

Đừng mở máy điều hòa với nhiệt độ thấp

Bình thường, nhiều bệnh nhân cao huyết áp rất chú ý giữ gìn, khống chế có hiệu quả huyết áp của mình, nhưng cứ đến mùa hè nóng bức thì huyết áp lại kém ổn định, điều này có thể là do thói quen sử dụng máy điều hòa không đúng.

Không ít người điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa xuống rất thấp, nhất là khi mới từ ngoài trời nóng vào nhà để mau chóng có cảm giác mát lạnh dễ chịu. Nhưng sự thay đổi nhiệt độ từ nóng đến lạnh đột ngột như thế sẽ khiến những mạch máu vốn đang ở trạng thái giãn nở bình thường tức thời bị co lại, dẫn đến huyết áp tăng cao. Hoặc người đó nếu ở trong phòng có máy điều hòa trong một thời gian rồi đi ra ngoài thời tiết nóng bức, các mạch máu sẽ giãn nở, điều này khiến huyết áp không ổn định.

Ngoài ra, do phòng có máy điều hòa phải đóng kín nên không khí lưu thông kém, nếu ở lâu sẽ dễ bị những chứng bệnh do máy điều hòa gây ra như chóng mặt, khô cổ, tim đập nhanh. Vì vậy, việc thường xuyên mở cửa để không khí lưu thông là rất cần thiết.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống, Vnexpress
  • 965