Mỹ chế tạo máy đọc ý nghĩ

  •  
  • 1.619

Các nhà khoa học thuộc Đại học Oregon, Mỹ, chế tạo một thiết bị cho phép đọc suy nghĩ của con người bằng cách quét các tín hiệu trong não sau đó xử lý và chuyển thông tin thành hình ảnh.

Theo Science Alert, các nhà nghiên cứu chọn ra 23 tình nguyện viên và tiến hành kiểm chứng bằng bộ 1.000 bức ảnh màu in hình các khuôn mặt lấy ngẫu nhiên. Các bức ảnh này được tạo thành từ tổ hợp 300 đặc điểm khác nhau. Tình nguyện viên được xem hình ảnh trong khi não họ kết nối với máy cộng hưởng từ chức năng fMRI, thiết bị phát hiện những thay đổi tinh tế trong mạch máu của bộ não để theo dõi hoạt động của hệ thần kinh.

Máy fMRI kết hợp với một chương trình trí tuệ nhân tạo chuyên phân tích và xử lý thông tin từ não của tình nguyện viên, sau đó tái tạo lại hình ảnh đang hiển thị trong não cùng lúc với bức ảnh mà các tình nguyện viên đang xem. Dựa trên sự nhận biết của não bộ đối với 300 đặc điểm ở các bức ảnh, nhóm nghiên cứu có thể giải mã và tái tạo hình ảnh trong não người.

Giai đoạn một của thí nghiệm là dạy cho phần mềm trí tuệ nhân tạo cách đọc hoạt động thần kinh và giải mã thành các đặc điểm khuôn mặt tương ứng với hình ảnh mắt nhìn thấy. Quá trình so sánh giữa ảnh thật và ảnh tái tạo từ tín hiệu fMRI giúp phần mềm trí tuệ nhân tạo hiểu hơn về cách thức biểu đạt thông tin của não bộ từng người.

Khuôn mặt nguyên bản (original) và được tái tạo bằng cách đọc thông tin vùng vỏ não occipitotemporal (OTC) và hồi góc (ANG).
Khuôn mặt nguyên bản (original) và được tái tạo bằng cách đọc thông tin vùng vỏ não occipitotemporal (OTC) và hồi góc (ANG). (Ảnh: The Journal of Neuroscience).

Sau khi phần mềm trí tuệ nhân tạo quen với việc đọc thông tin từ não, giai đoạn hai của thí nghiệm được tiến hành. Lần này, phần mềm trí tuệ nhân tạo được giao nhiệm vụ phải tái tạo lại những gương mặt chỉ dựa trên hoạt động của não tình nguyện viên. Những hình ảnh tình nguyện viên xem ở giai đoạn này hoàn toàn khác với giai đoạn trước.

Để tái tạo lại từng khuôn mặt, phần mềm trí tuệ nhân tạo dựa trên thông tin hoạt động từ hai vùng riêng biệt trong não người: hồi góc (ANG) xử lý thông tin liên quan đến ngôn ngữ, xử lý số, nhận thức không gian và sự hình thành ký ức sống động trong khi vỏ não occipitotemporal (OTC) xử lý tín hiệu thị giác.

"Chúng tôi có thể lấy ký ức của một ai đó, những thứ thuộc về nội tâm rất riêng tư, và đưa ra khỏi não của họ", nhà thần kinh học Brice Kuhl, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nghiên cứu được công bố hôm 1//6 trên tạp chí Journal of Neuroscience. Kết quả cho thấy khuôn mặt được tái tạo bằng thuật toán đọc suy nghĩ chưa mô tả được hình ảnh thực sự trong não, nhưng đã có thể mang đến một số thông tin cơ bản như giới tính, trạng thái vui buồn, hay màu da. Những chi tiết cơ bản khác của khuôn mặt có thể được đọc từ não.

Nhóm nghiên cứu đang tăng độ chính xác của phần mềm trí tuệ nhân tạo và độ khó của công việc đọc thông tin bằng cách tái tạo hình ảnh trong trí nhớ. Đây là một kỹ thuật đòi hỏi nhiều thời gian nhưng hứa hẹn mang lại ứng dụng thú vị trong cuộc sống.

Có thể trong tương lai, con người sẽ gửi cho nhau những tin nhắn dưới dạng suy nghĩ và ký ức mà không cần phải viết hay nói ra. Tội phạm cũng có thể bị buộc phải khai ra hành vi phạm tội thông qua ký ức.

Cập nhật: 01/07/2016 Theo VnExpress
  • 1.619