Bạn còn nhớ con tàu InSight của NASA chứ? Đó là con tàu thăm dò đã hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa vào ngày 26/11/2018, mang theo mình nhiệm vụ thu thập dữ liệu địa chất của Hành tinh Đỏ.
Kể từ thời điểm đó, InSight đã cung cấp cho chúng ta nhiều tư liệu quý giá sao Hỏa, từ những hình ảnh chụp bề mặt, rồi tiếng gió thổi cũng được ghi âm, giúp chúng ta nghe được âm thanh đầu tiên trong lịch sử khám phá hành tinh này.
Tàu vũ trụ Insight.
Và mới đây, InSight tiếp tục lập một chiến công nữa, và lần này là bản ghi âm tiếng động đất. Những cơn địa chấn âm ỉ, nhỏ bé, mờ nhạt nhưng không thể nhầm lẫn đang diễn ra sâu dưới lòng đất.
Các phân tích ban đầu đã xác nhận những cơn địa chấn này thực sự bắt nguồn trong lõi hành tinh. Và nay, họ đang tích cực làm việc để xác định chính xác nguyên nhân gây ra cơn địa chấn này là gì.
Được biết, các cơn địa chấn trên sao Hỏa cũng giống như tại Trái đất, có thể tiết lộ những sự thật bên trong lõi hành tinh. Tàu InSight được trang bị đủ các công cụ tối tân để thu thập số liệu về chúng - bao gồm nhiệt độ, hướng quay và hoạt động địa chất.
Hầu hết các dữ liệu thu thập được chủ yếu là âm thanh xung quanh tàu. Tuy nhiên vào ngày 6/4, cuối cùng thì InSight đã đem lại những gì mà họ đang mong đợi, với tín hiệu được đặt tên là Sol 128.
Và quả thực, đó là những âm thanh hết sức gây... ám ảnh, theo lời của cộng đồng thiên văn vũ trụ.
Âm thanh động đất trên sao Hỏa.
"Chúng tôi đã đợi hàng tháng để thấy tín hiệu này," - Philippe Lognonné từ Viện vật lý toàn cầu Paris (IPGP) cho biết.
"Thực sự rất phấn khích khi có thể chứng minh sao Hỏa có hoạt động địa chất mạnh. Chúng tôi sẽ chia sẻ kết quả chi tiết sau khi hoàn tất việc phân tích chúng."
Một đợt sóng địa chất trong lõi hành tinh có thể hoạt động thay cho sóng radar. Trong lúc vượt qua lòng đất, chúng có thể chậm lại trước một vài vật liệu, hoặc phản xạ, đổi hướng... Tất cả đều là số liệu để khoa học phân tích thành phần lõi của hành tinh.
Tuy nhiên, thật tiếc là Sol 128 quá yếu để các nhà khoa học có thể dựng lên cấu trúc bên trong của hành tinh. Nếu tín hiệu này xảy ra trên Trái đất, nó chắc chắn sẽ biến mất trước vô số rung động địa chất sẵn có của chúng ta.
Dù vậy, nó cũng mở ra hy vọng rằng sẽ có một cơn địa chấn lớn hơn sẽ xuất hiện trong tương lai, nhất là các tín hiệu tương tự là Sol 105, 132, 133 mới được phát hiện gần đây.
Trong các tín hiệu được tìm ra, Sol 128 là mạnh nhất và cũng là tín hiệu thú vị nhất, bởi lẽ nó gần như tương đồng với cơn địa chấn từng được đo tại bề mặt Mặt trăng trong giai đoạn 1969 - 1977, do tàu Apollo cung cấp.
Hầu hết các dữ liệu thu thập được chủ yếu là âm thanh xung quanh tàu.
Giống như sao Hỏa, Mặt trăng của chúng ta cũng không có nhiều hoạt động địa chất bên trong, và mức độ hoạt động cũng đang nhỏ dần, chỉ là phần còn sót lại sau khi hình thành từ 4,5 tỉ năm trước. Khi lõi Mặt trăng co lại, nó tạo ra áp lực lên lớp vỏ ngoài, lâu dần nứt vỡ và tạo ra địa chấn.
Dựa trên những gì xảy ra với Mặt trăng, các nhà khoa học tin rằng hoạt động địa chất trên sao Hỏa cũng gần như tương tự như vậy. Tuy nhiên, các nghiên cứu trong tương lai vẫn cần tiếp tục thực hiện để xác nhận kết luận này.
"Các dữ liệu đầu tiên của InSight giống như tiếp nối những gì Apollo đã từng làm," - trích lời Bruce Banerdt, giám đốc điều tra nhiệm vụ InSight của NASA.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi chính thức tiến vào một lĩnh vực mới: hoạt động địa chất trên sao Hỏa."