Liệu xung đột hạt nhân sẽ ảnh hưởng ra sao với nhân loại và hành tinh?
Bất kỳ cuộc xung đột hạt nhân nào cũng sẽ có một loạt các hậu quả tàn khốc, từ những cái chết ban đầu trong các vụ nổ trực tiếp cho đến những tác động kéo dài của bức xạ và ô nhiễm môi trường.
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food, con số thương vong tại chỗ dù lớn đến đâu vẫn không là gì so với hậu quả số người chết do nạn đói toàn cầu sẽ xảy ra sau đó, mà nguyên nhân chính là một lượng khói bụi đen bốc lên sẽ ngăn chặn ánh sáng mặt trời, phá vỡ hệ thống khí hậu và khả năng sản xuất lương thực.
Các nhà khoa học ở Trường đại học Rutgers, Mỹ, đã cảnh báo những hậu quả đi kèm với sáu kịch bản chiến tranh hạt nhân.
Các nhà khoa học khí hậu ở Trường đại học Rutgers, Mỹ, đã đưa ra sáu kịch bản chiến tranh hạt nhân và các hậu quả đi kèm (Ảnh: Canva).
Kịch bản xấu nhất là cuộc chiến tranh hạt hạt nhân toàn diện nổ ra giữa Mỹ và Nga. Hậu quả sẽ là hơn năm tỷ người sẽ bị chết đói trong hai năm sau đó. Ngay cả một cuộc xung đột quy mô nhỏ giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể dẫn đến nạn đói khắp thế giới.
Trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, những quả bom nhắm vào các thành phố và khu công nghiệp sẽ gây ra bão lửa khiến cho một lượng lớn bụi đen sẽ phát tán lên tầng khí quyển trên cao và có khả năng lan rộng toàn cầu.
Chúng (khói bụi) trở thành một tấm "khiên" chắn ánh sáng mặt trời và nhanh chóng làm nguội lạnh hành tinh của chúng ta.
Do đó, khí hậu Trái Đất sẽ bị phá vỡ, tác động đến hệ thống sản xuất lương thực. Bằng công cụ dự báo và ước tính năng suất các loại cây trồng chính ở từng quốc gia, các nhà khoa học đã phân tích mỗi kịch bản xung đột hạt nhân ở từng mức độ bụi đen bao phủ bầu trời, với mức nhiệt giảm từ 1 đến 16 độ C.
Chỉ cần một xung đột nhỏ giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể làm giảm sản lượng cây trồng xuống 7% trong 5 năm xung đột. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cả hai nước này đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân có quy mô tương đương nhau và trong số 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân thì hai nước này nằm trong số ít các quốc gia đang tăng số lượng dự trữ đầu đạn hạt nhân.
Còn nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện xảy ra giữa Nga và Mỹ, hai quốc gia chiếm 90% kho hạt nhân của thế giới, thì sản lượng cây trồng sẽ giảm 90% trong vòng 3 đến 4 năm sau khi xảy ra giao tranh.
Các nhà nghiên cứu cũng đã xét đến các yếu tố giảm thiểu như sử dụng cây trồng làm thức ăn cho gia súc chuyển sang làm thức ăn cho con người hoặc tiết kiệm thức ăn trong gia đình, nhưng kết luận vẫn là những biện pháp bổ sung này không ngăn được thế giới trải qua nạn đói, đặc biệt là sau các cuộc xung đột quy mô lớn.
Sản lượng cây trồng sẽ sụt giảm nghiêm trọng nhất ở các nước nằm ở vĩ độ trung bình đến cao, trong đó có các nước xuất khẩu lớn như Nga và Mỹ. Điều này không chỉ làm giảm sản lượng xuất khẩu mà còn làm gián đoạn nghiêm trọng ở các nước châu Phi và Trung Đông, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu lương thực.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục tìm ra các tác động cụ thể hơn, ví dụ: tầng ozone sẽ bị phá hủy do tầng bình lưu nóng lên, khiến cho bức xạ tia cực tím tác động mạnh hơn trên bề mặt Trái Đất và chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm.
"Nếu vũ khí hạt nhân tồn tại thì chúng hoàn toàn có thể được đem ra sử dụng, và đã nhiều lần thế giới đã tiến đến gần nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. Cấm vũ khí hạt nhân là giải pháp lâu dài duy nhất.
Hiệp ước 5 năm của Liên hợp quốc về cấm vũ khí hạt nhân đã được 66 nước phê chuẩn, nhưng trong số đó không có mặt 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Công việc mà chúng tôi đang làm rõ ràng cho thấy rằng đã đến lúc 9 quốc gia này cần lắng nghe khoa học và lắng nghe phần còn lại của thế giới và ký vào hiệp ước này", phát biểu của Giáo sư Alan Robock, chuyên gia khoa học khí hậu, đồng tác giả của nghiên cứu trên.