Những sự kiện khoa học đáng chú ý diễn ra vào ngày 8 tháng 1 trong lịch sử.
Stephen W. Hawking là nhà khoa học, nhà vật lý học lý thuyết nổi tiếng với rất nhiều nghiên cứu về vật lý lượng tử và vũ trụ thiên văn. Hawking sinh ngày 8 tháng 1 năm 1942, tại Oxford, Anh quốc đúng 300 năm sau ngày mất của Galileo. Tháng 10 năm 1959, Hawking vào học tại Đại học Oxford khi mới 17 tuổi. Trong 18 tháng đầu tiên ông thấy chán học và cô đơn: ông ít tuổi hơn phần lớn sinh viên, và thấy việc học hành "dễ một cách kỳ cục".
Năm Hawking 21 tuổi, người ta chẩn đoán ông mắc bệnh thần kinh vận động và khi đó các bác sĩ cho rằng ông chỉ sống thêm được 2 năm nữa. Sự suy yếu do bệnh tật vẫn tiếp tục, và năm 2005 ông bắt đầu phải điều khiển thiết bị giao tiếp bằng cử động của cơ má do không thể sử dụng tay nữa. Điều này đặt Hawking trước nguy cơ bại liệt hoàn toàn, vì vậy ông đang hợp tác với các nhà nghiên cứu về các hệ thống có thể diễn dịch các hình ảnh não bộ thành tín hiệu để có thể giao tiếp được.
Hawking từng khẳng định rằng mình: "không tín ngưỡng theo nghĩa thông thường" và rằng ông tin "vũ trụ được vận hành bằng các định luật khoa học". Các định luật đó có thể được Chúa Trời ban bố, nhưng Chúa không can thiệp để phá vỡ chúng. Ông cũng tuyên bố rằng: "Không ai tạo nên vũ trụ và không ai định vận mệnh chúng ta. Điều này dẫn tôi tới một nhận thức sâu sắc rằng chắc hẳn cũng không có cả thiên đường lẫn thế giới bên kia".
Galileo Galilei là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học. Theo Stephen Hawking, Galileo là người ảnh hưởng nhiều nhất đối với sự ra đời của khoa học hiện đại hơn bất kỳ người nào khác, Albert Einstein gọi ông là cha đẻ của khoa học hiện đại.
Bằng việc quan sát các vì sao qua kính viễn vọng, Galileo là người đầu tiên phát hiện ra Trái đất quay quanh Mặt Trời chứ không phải nằm ở vị trí trung tâm như những gì người ta vẫn tin lúc bấy giờ. Tuy nhiên thuyết nhật tâm của ông sau đó bị Giáo hội bác bỏ và cho đó là đi ngược lại kinh thánh. Sau đó ông bị bỏ tù và các tác phẩm của ông bị cấm xuất bản cũng như tuyên truyền.
Galileo mất ngày 8 tháng 1 năm 1642 ở tuổi 77. Tuy nhiên lệnh cấm in lại các tác phẩm của Galileo phải mãi đến năm 1718 mới được gỡ bỏ. Và đến năm 1758 lệnh cấm chung với các tác phẩm ủng hộ thuyết nhật tâm của ông bị gỡ bỏ.
Năm 1998, các nhà khoa học công bố việc lần đầu tiên phát hiện những tác động của chất Nicotine đến não bộ và khiến nó có thể gây nghiện. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng chất Nicotine có liên quan đến việc giải phóng dopamine, một hóa chất có vai trò truyền dẫn giữa các dây thần kinh trong não. Nó là một chất độc thần kinh rất mạnh với ảnh hưởng rõ rệt đến các loài côn trùng; do vậy trong quá khứ nicotin được sử dụng rộng rãi như là một loại thuốc trừ sâu.