Ngày bắt đầu và kết thúc ở đâu trên Trái đất?

  •  
  • 1.021

Đường đổi ngày quốc tế - nơi ngày bắt đầu và kết thúc - được vạch ra khá "tùy ỳ". Không có quy tắc quốc tế nào quản lý và tọa độ của nó phụ thuộc vào ý muốn của các chính phủ.

Taylor Swift bay đến Las Vegas từ Nhật Bản và “lãi" vài giờ. Thị trường chứng khoán Hong Kong đóng cửa khi London mở cửa.

Những điều này diễn ra là do đường đổi ngày quốc tế (International Date Line) - đường tưởng tượng chạy qua Thái Bình Dương, dùng để làm ranh giới giữa múi giờ.

Con người chấp nhận tuân theo múi giờ - khái niệm được các công ty đường sắt đưa ra vào thế kỷ XIX. Nhưng như vậy, chính xác thì ngày bắt đầu và kết thúc ở đâu trên Trái đất?

Theo học giả sau tiến sĩ về vật lý thiên văn lý thuyết, ông Cameron Hummels, từ góc độ vật lý thực sự không có Mặt trời mọc "đầu tiên" ở đâu cả.

Nhưng để theo dõi thời gian, con người đã lập ra hệ thống tính thời gian, bao gồm các múi giờ và đường đổi ngày quốc tế để đánh dấu thời điểm ngày bắt đầu và kết thúc ở mỗi nơi trên Trái đất. "Vì vậy Mặt trời mọc "đầu tiên" ở đâu coi như đã được thỏa thuận theo đường đổi ngày quốc tế" - học giả Hummels nói.

Tuy nhiên, không có quy tắc quốc tế nào quản lý vị trí của đường đổi ngày và tọa độ chính xác của nó phụ thuộc vào ý muốn thay đổi của các chính phủ.

Những bản đồ cố gắng mô tả nó không bao giờ hoàn toàn chính xác và bản thân đường này về mặt kỹ thuật không tồn tại.

Chưa được xác định một cách chính thức

Trái đất quay từ Tây sang Đông, sáng, trưa, chiều, tối lần lượt xuất hiện ở các nước trên thế giới một cách tuần hoàn. Vậy một ngày mới nên bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu?

Ý tưởng thiết lập đường ranh giới nơi ngày bắt đầu và kết thúc đã tồn tại ít nhất là từ những năm 1300.

Nhưng trong khi Xích đạo là đường phân chia hợp lý giữa bán cầu bắc và bán cầu nam, không có nơi nào rõ ràng để phân chia bán cầu đông và tây.

 Những chiếc đồng hồ hiển thị thời gian
Người dân ở Warsaw, Ba Lan, đi lại bên dưới những chiếc đồng hồ hiển thị thời gian ở các thành phố trên khắp thế giới. (Ảnh: Bloomberg).

Những nhà lập bản đồ từ lâu đã tự thiết lập các đường phân chia đông - tây của riêng mình, được gọi là kinh tuyến - một từ có nguồn gốc từ tiếng Latin, mang nghĩa “giữa trưa”.

Năm 1884, 25 quốc gia đã thông qua nghị quyết kêu gọi xây dựng một kinh tuyến “chính” đặt kinh độ 0 tại Greenwich - thị trấn ở ngoại ô London (Anh) có đài quan sát hoàng gia.

Điều này nhằm thiết lập một điểm tham chiếu quốc tế cho những người lập bản đồ, người chấm công và người lập lịch trình xe lửa. Họ cũng quyết tâm thiết lập một “ngày thế giới”.

Nhưng phải mất nhiều thập kỷ để các quốc gia chấp nhận kinh tuyến gốc và chính thức hóa múi giờ liên kết với Greenwich, theo cuốn sách One Time Fits All của Ian R. Bartky.

Tuy nhiên, mặc dù kinh tuyến chính đã được chấp nhận, vị trí cụ thể của đường ngày quốc tế vẫn chưa bao giờ được xác định một cách chính thức.

Năm 1921, Bộ Hải quân Anh nói rằng chưa có mốc thời gian nào “được đặt ra một cách chắc chắn, bởi bất cứ cường quốc hay theo thỏa thuận quốc tế nào”. Điều đó vẫn đúng sau hơn một thế kỷ.

“Mặc dù kinh tuyến gốc có cảm giác là bất khả xâm phạm nhưng đường đổi ngày quốc tế không phải là kinh tuyến. Nó được vạch ra khá tùy ỳ”, Tim Montenyohl, người vẽ bản đồ đã lập bản đồ đường đổi ngày, viết vào năm 2018.

Một số quốc gia đổi ngày

Vì khái niệm đường đổi ngày quốc tế không được thực thi thông qua hiệp ước quốc tế nên các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương về cơ bản có quyền tự do quyết định nên đứng về phía nào của đường đổi ngày quốc tế.

Một số lựa chọn được đưa ra xuất phát từ lý do chính trị hoặc thương mại.

 Kiribati là một trong số các quốc gia Thái Bình Dương đã đơn phương dời ngày.
Kiribati là một trong số các quốc gia Thái Bình Dương đã đơn phương dời ngày. (Ảnh: Josh Haner/New York Times).

Tây Ban Nha ban đầu đặt Philippines - thuộc địa của nước này vào thế kỷ 16 - ở phía đông đường đổi ngày. Điều đó khiến đường đổi ngày lệch về phía tây từ kinh tuyến 180.

Nhưng vào năm 1844, Philippines đã lùi đường ranh giới này lại bằng cách tuyên bố rằng ngày 31/12 năm đó sẽ “bị hủy bỏ, như thể nó đã thực sự trôi qua”.

Một số quốc đảo Thái Bình Dương đơn phương dời ngày để đơn giản hóa việc tính giờ địa phương hoặc thúc đẩy mối quan hệ thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vào những năm 1990, Kiribati đã chuyển đường đổi ngày, bẻ ngoặt về phía đông qua kinh tuyến 180 độ nhằm đảm bảo các đảo cực đông của nước này sử dụng chung múi giờ.

Quần đảo Samoa, nay được chia thành Samoa và Samoa thuộc Mỹ, nằm ở phía tây của đường đổi ngày quốc tế cho đến năm 1892.

Vào năm đó, vua Malietoa Laupepa đã được các thương nhân Mỹ thuyết phục áp dụng múi giờ ngày của Mỹ (sau California 3 giờ) để thay thế ngày châu Á cũ (trước Nhật Bản 4 giờ). Sự thay đổi này được thực hiện bằng cách lặp lại thứ Hai, ngày 4/7/1892 - ngày quốc khánh Mỹ.

Vào năm 2011, Samoa trở lại phía tây đường đổi ngày quốc tế bằng cách xóa bỏ thứ Sáu, ngày 30/12/2011 khỏi lịch.

Emma Veve - nhà kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Châu Á - người từng làm việc tại các đảo Thái Bình Dương, nói rằng việc chuyển đổi của Samoa có ý nghĩa thương mại. Nó giúp đưa quốc gia này vào cùng ngày làm việc với New Zealand.

Trong khi các phương tiện truyền thông làm ầm ĩ lên, mọi người vẫn tiếp tục cuộc sống của mình, bà cho hay.

Dòng thời gian vẫn thách thức các nhà lập bản đồ

Đối với những người lập bản đồ - và các phóng viên - có thể khó xác định được đường đổi ngày quốc tế.

 
Đối với những nhà lập bản đồ, vẫn có thể khó xác định được đường đổi ngày quốc tế và dòng thời gian chính thức. (Ảnh: Shutterstock).

Những người vẽ bản đồ thường lập bản đồ bằng cách tham khảo các bản đồ khác, bao gồm cả múi giờ do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ xuất bản.

Nhưng ông Montenyohl cho biết việc tạo ra phiên bản chi tiết hơn rất phức tạp.

Điều đó một phần là do các quốc gia có thể thay đổi múi giờ và lãnh thổ của một quốc gia kéo dài 200 hải lý tính từ biên giới đất liền.

Trường hợp sau đây là ví dụ thú vị.

Vào năm 2020, nhà báo Johnny Harris nhận thấy sự khác biệt giữa hai bản vẽ đường ngày xung quanh một số Quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương.

“Google nói rằng những hòn đảo này nằm ở phía thứ Ba, trong khi PacIOOS nói rằng chúng nằm ở phía thứ Hai, nghĩa là sau một ngày”, ông Harris nói trong video trên YouTube.

Vậy phiên bản nào đúng? Đến nay, câu trả lời vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng.

Người phát ngôn của chính phủ Quần đảo Cook không trả lời câu hỏi. Người phát ngôn của Google cho biết bản đồ dòng thời gian của công ty được cập nhật từ năm 2020.

Trong khi đó, kỹ sư hệ thống dữ liệu tại PacIOOS cho biết phiên bản của nhóm không phải là tiêu chuẩn vàng.

“Chúng tôi chắc chắn không phải là chuyên gia hay người có thẩm quyền về dòng thời gian”, kỹ sư John Maurer cho biết.

Ông nói thêm rằng PacIOOS đã sử dụng phiên bản tương tự Wikipedia.

Cập nhật: 10/06/2024 Znews
  • 1.021