"Nghiện" hi-tech: những chuyện cười ra nước mắt!

  •  
  • 559

Một cặp vợ chồng người Mỹ đã lôi nhau ra tòa vì cô vợ đột ngột ngừng "cuộc vui" lúc nửa đêm chỉ để... check mail. Nhiều thanh niên ở Phần Lan còn viện cớ "quá ham mê Internet" hòng tránh nghĩa vụ quân sự.

Chỉ trong vài năm, các thiết bị điện tử bất ngờ "lột xác": điện thoại được đem đi khắp nơi, đầu đĩa CD mở đường cho máy nghe nhạc MP3, máy tính tìm thấy sức sống mới nhờ Internet và DVD khiến băng từ trở nên cổ hủ.

Gần như ai cũng có những cảm nhận yêu - ghét nhất định với công nghệ khi thiết bị kỹ thuật số đã quá gần gũi với con người. Tuy nhiên, nhiều người lại "tôn sùng" chúng trên mức bình thường nhưng không hề nhận ra họ đang nghiện công nghệ:

Quên những chức năng cơ bản

"BlackBerry một bên và em một bên". (Ảnh: The Age)
Đó là ăn, uống, đi vệ sinh và ngủ. Làm sao họ có thể rời máy tính để thực hiện một trong bốn điều "tầm thường" trên khi quái vật đang vây quanh họ. Game có thể giúp bọn trẻ không đi chơi lêu lổng nhưng lại rước về nhiều tác hại khác. Tháng 12 năm ngoái, một thanh niên Hàn Quốc đã chết vì chơi game liên tục trong 10 ngày. 3 năm trước đó, một người khác cũng ở nước này đã "gục bên bàn phím" vì "chiến đấu" với kẻ thù ảo suốt 86 tiếng không nghỉ.

Tha về những phụ kiện kỳ dị

"Trông này, lại còn có cả “ghế bành” cho điện thoại di động nữa", các bà mẹ lắc đầu than vãn. Bên cạnh giá đỡ điện thoại có thể phát tín hiệu nhấp nháy mỗi khi có cuộc gọi đến, người ta còn mua chiếc kẹp ngộ nghĩnh để giữ máy MP3 khỏi trượt, chó robot nhún nhảy theo điệu nhạc...

Check e-mail vào 3 giờ sáng chủ nhật

Không ít người đã bừng tỉnh vào nửa đêm để kiểm tra xem họ có thư mới hay không. Ở Mỹ đã xảy một vụ ly dị hy hữu vì lý do lãng xẹt: cô vợ cứ loay hoay với thiết bị chiếc BlackBerry khi đang gần gũi với chồng. "Nếu đang làm tình hoặc đắm chìm trong những phút giây thư thái, nhẹ nhàng và sẵn sàng trao tất cả cho người mình yêu mà bạn vẫn còn có thể thò tay bấm vào nút nhận thư thì đúng là bạn đã đi quá xa rồi đấy
", Carl Honore, tác giả cuốn In Praise of Slow: How a Worldwide Movement Is Challenging the Cult of Speed, nhận xét.

Chỉ biết nick mà không quan tâm đến tên thật

Họ đi chơi cùng Whitelie, Phoenix, Kira và có thể nói chuyện hàng giờ không biết chán với Cinderella, Mèo Ngốc nào đó nhưng chẳng hề quan tâm đến tên thật của người mà họ chọn để chia sẻ những bí mật thầm kín. Hiện nay, nhiều người đang bị cuốn vào các hoạt động trực tuyến. Họ ngại giao tiếp trực diện nhưng tán chuyện qua MSN hay Yahoo Messenger thì cực giỏi. Đây là hiện tượng phổ biến tại Nhật và Hàn Quốc, nơi quy chế học tập quá nghiêm ngặt khiến nhiều học sinh lên mạng xả "xì-chét".

Cả tiếng “beep” cũng thấy hay

Một số người tải bài hát yêu thích và dùng nó làm nhạc chuông cho điện thoại di động, số khác lại chọn những âm thanh kỳ lạ hoặc nhạc chuẩn trong máy và lẩm nhẩm cả ngày như thể đấy là "ca khúc" xuất sắc nhất. Tiếng khởi động máy tính, thông báo e-mail mới, tiếng buzz trên Yahoo Messenger cũng khiến trái tim họ rộn ràng. Chẳng thế mà đoạn ringtone nghe có phần nổi loạn và cá tính Crazy Frog đã tạo nên cơn sốt ở châu Âu và Mỹ, thậm chí là đĩa đơn bán chạy nhất tại Anh ngày 29/5/05, vượt cả Speed of Sound của Coldplay.

Đừng cười, hãy nói LOL

Trong hai năm gần đây, giới trẻ Việt Nam bắt đầu sử dụng từ viết tắt trong SMS để giảm ký tự, chẳng hạn lol (laugh out loud - buồn cười quá) hoặc những khuôn mặt cười (smiley) phổ biến trên các dịch vụ tin nhắn nhanh để bày tỏ thái độ. Tác giả Carl Honore lo ngại điều này về lâu dài có thể sẽ ảnh hưởng đến văn viết của thanh thiếu niên. "Một số người hiện nay cảm thấy không cho smiley vào thì người đọc không thể hiểu đúng ý họ định nói", Honore cho biết.

Trả lời điện thoại không đúng lúc

Cô đào Paris Hilton hay Pierce Brosnan... cũng từng ngưng "cuộc ân ái" để nhận điện thoại. Nhưng đấy là trong phim. Còn thực tế thì sao? Một khảo sát ở Mỹ gần đây cho thấy có tới 14% số người được hỏi thừa nhận họ đã gọi điện khi đang quan hệ. Chuyện đó diễn ra thường xuyên đến mức họ coi như thế là bình thường.

Nói chuyện bằng ngôn ngữ bí hiểm

Họ sử dụng những câu đối thoại kiểu "Ổ cứng của tớ tuy cũ nhưng RAM vẫn còn nhiều lắm" (tớ vẫn minh mẫn chán) hay "anh bị nhiễm virus rồi, em đi mua cho anh vài viên Norton nhé" (anh đang ốm, em đi mua thuốc cho anh nhé)...

Một số trường hợp điển hình:

Năm 2000: Anh chàng có tên Shane Warne đã gây nên một scandal tin nhắn khi gửi những thông điệp khêu gợi, thô tục tới một người phụ nữ đã có chồng.

2002: Một thanh niên ở Massachusetts (Mỹ) đã tự tử do quá nghiện game EverQuest.

2002: Một người 24 tuổi ở Hàn Quốc "tử vì game" sau 86 tiếng chơi liên tục.

2003: Một thanh niên ở Alabama đã giết một viên cảnh sát và biện hộ rằng anh ta bắt chước trò Grand Theft Auto. Thẩm phán không chấp nhận lời thanh minh này và tống anh ta vào tù.

2004: Thanh niên Phần Lan lấy cớ nghiện Internet để tránh nghĩa vụ quân sự.

2004: Một thanh niên ở Thượng Hải đâm bạn mình do cậu ta bán mất thanh kiếm ảo - tài sản chung của hai người trong game.

2005: Một thanh niên Hàn Quốc bỏ mạng sau 50 tiếng chơi game.

2005: Một thanh nên 19 tuổi người Scotland đã tiêu tốn 11.200 USD để nhắn tin trong 12 tháng. Anh này còn gửi tới 8.000 e-mail mỗi tháng.

2005: Hãng PG Tips phát minh ra ấm ReadyWhenUR, có thể bật lên khi người sử dụng nhắn tin "switch on" tới số điện thoại cài sẵn.

2006: Một cậu bé 13 tuổi người Trung Quốc chết sau khi chơi game trực tuyến 36 tiếng.

2006: Một tài xế người Anh bị sa thải vì chơi game trên thiết bị cầm tay khi đang lái xe bus.
Theo The Age, VnExpress
  • 559