Ngôi làng không ai thèm nói chuyện với nhau, phải đặt giờ giới nghiêm, tăng thuế đất để mọi người “cai điện thoại”

  •  
  • 282

Theo trưởng làng Raju Magdum, việc tắt các thiết bị điện tử vào một khoảng thời gian trong ngày sẽ giúp trẻ em tập trung vào việc học, người dân cải thiện được kỹ năng xã hội.

Mới đây Mangaon, một ngôi làng ở quận Kolhapur, Ấn Độ đã kêu gọi 15.000 người dân sinh sống tại làng tắt toàn bộ các thiết bị như tivi, điện thoại trong khoảng thời gian từ 19h đến 20h30 hàng ngày nhằm "cai nghiện kỹ thuật số".

Theo trưởng làng Raju Magdum, ông nhận thấy toàn bộ người dân trong làng từ người lớn đến trẻ nhỏ đều đang dành quá nhiều thời gian "dán mắt vào màn hình" mỗi ngày.

Dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại đã ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại đã ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Ông nói: "Các gia đình không nói chuyện với nhau, trẻ em không tập trung làm bài tập về nhà và những người hàng xóm cũng không thèm hỏi thăm nhau".

"Tất cả chúng ta đều nghiện điện thoại di động và tivi, dẫn đến các vấn đề như thiếu tập trung, khả năng trò chuyện giữa các thành viên trong gia đình cũng kém đi, điều này ngày càng leo thang và trở thành vấn đề nghiêm trọng".

Theo ông, việc áp dụng giờ giới nghiêm cho việc sử dụng điện thoại sẽ khuyến khích mọi người hòa nhập nhiều hơn với gia đình, hàng xóm và cho phép trẻ em yên tâm học tập. Được biết, quy định này sẽ bắt đầu được thực hiện vào ngày 8/3 tới đây.

Hàng ngày, vào lúc 19h, còi báo động đặc biệt sẽ vang lên và toàn bộ các thành viên trong làng sẽ phải tắt tivi, điện thoại cho khi còi lại vang lên báo hiệu kết thúc giai đoạn "cai nghiện" vào lúc 20h30.

Ban đầu, việc tắt tivi và điện thoại di động được thực hiện theo hình thức tự nguyện nhưng nếu một gia đình liên tục phớt lờ, chính quyền địa phương sẽ phạt họ bằng cách tăng thuế tài sản.

Việc mọi người đồng thời tắt các thiết bị điện tử sẽ giúp trẻ em tập trung làm bài tập tốt hơn.
Việc mọi người đồng thời tắt các thiết bị điện tử sẽ giúp trẻ em tập trung làm bài tập tốt hơn.

Được biết, hầu hết các ngôi nhà trong làng Mangaon đều không đủ lớn để có phòng học riêng cho trẻ em. Với việc tất cả mọi người đều ở trong cùng một không gian, việc cha mẹ sử dụng của điện thoại di động và tivi sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tập trung vào việc học của trẻ.

"Trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề và học hành không tốt ở trường. Trong đại dịch khi các trường học đóng cửa, tất cả mọi người đều đã quen với việc dành nhiều thời gian hơn bình thường cho điện thoại của mình" - ông Magdum chia sẻ.

Được biết, ý tưởng về việc "cai nghiện kỹ thuật số" cũng được áp dụng vào năm 2022 tại quận Sangli, khu vực tiếp giáp với Managon. Tại đây, năm ngôi làng đã ra lệnh cấm sử dụng tivi và điện thoại trong một giờ đồng hồ mỗi ngày vì lo ngại về việc thiếu tương tác xã hội và làm trẻ em mất tập trung khi làm bài tập về nhà.

Jitender Dudi, một quan chức chính phủ giám sát sự phát triển của quận Sangli, cho rằng lệnh cấm đã có hiệu lực sau một khoảng thời gian áp dụng

"Đã khoảng sáu tháng trôi qua và tôi thấy nhiều cuộc trò chuyện và tiếng cười hơn. Người trong gia đình tương tác với nhau, giao tiếp xã hội cũng tốt hơn".

"Toàn bộ bầu không khí trở nên vui vẻ và náo nhiệt hơn vào lúc 19h, nhưng bằng cách nào đó, nó không làm bọn trẻ mất tập trung nhiều như điện thoại và tivi. Mọi người kết nối và đó chính xác là mục đích của việc này" - anh nói thêm.

Gia đình anh Anil Nikam trong "giờ giới nghiêm" tại một ngôi làng ở Maharashtra, Ấn Độ.
Gia đình anh Anil Nikam trong "giờ giới nghiêm" tại một ngôi làng ở Maharashtra, Ấn Độ.

Vào năm 2021, cộng đồng Jain cũng đã phát động thử thách "cai nghiện kỹ thuật số" nhằm cố gắng giảm thiểu thời gian sử dụng điện thoại di động của người trẻ tuổi. Hơn 2.000 người đã đồng ý tránh xa màn hình 12 tiếng mỗi ngày trong 50 ngày để "thanh lọc tinh thần".

Hiện tại, nhiều ngôi làng khác tại Ấn Độ cũng đang bàn bạc, thảo luận về chiến dịch và có khả năng sẽ kêu gọi mọi người cùng thực hiện việc tắt các thiết bị điện tử bắt đầu từ những ngày tới.

Cập nhật: 08/03/2023 TTVH
  • 282