Người Ai Cập cổ từng mất cả đất nước vì... quá yêu mèo

  •   4,52
  • 6.142

Các boss trong lịch sử có nhiều tác động lớn đến không ngờ. Và chắc chắn bạn sẽ bất ngờ lắm đấy trước sự thật này.

Những người yêu mèo chẳng ai muốn làm bất kỳ điều gì gây tổn thương đến các "boss" cả. Nhưng với người Ai Cập cổ, họ thậm chí còn tôn thờ mèo, và cái tình yêu cùng sự tôn thờ ấy đã khiến họ phải trả giá bằng một trận đại bại. Đó là trận Pelusium - trận chiến quyết định vận mệnh của Ai Cập thời kỳ đó.

Pelusium - trận chiến lịch sử

Trận Pelusium diễn ra vào năm 525 TCN, giữa quân Ba Tư - dẫn dắt bởi hoàng đế Cambyses II - và quân Ai Cập của Pharaoh Psametik III (còn gọi là Psammenitus).

Nguyên nhân chiến tranh bùng nổ bắt nguồn từ sự kiện Cambyses II cầu hôn con gái của Pharaoh thời bấy giờ là Amasis. Tuy nhiên vị này không muốn con gái mình trở thành một công cụ chính trị nên đã gửi đi con gái của Pharaoh đời trước.

Người con gái đó cảm thấy bản thân bị xúc phạm đã thuật lại hết sự thật với hoàng đế Cambyses. Và rồi Cambyses, với sự phẫn nộ tột cùng, quyết định phát động chiến tranh. Tuy nhiên vào thời điểm ông đích thân chinh chiến, Amasis đã qua đời, nhường ngôi cho Psammenitus.

Nguyên nhân chiến tranh bùng nổ bắt nguồn từ sự kiện Cambyses II cầu hôn con gái của Pharaoh.
Nguyên nhân chiến tranh bùng nổ bắt nguồn từ sự kiện Cambyses II cầu hôn con gái của Pharaoh.

Vị Pharaoh trẻ tuổi quyết định đóng quân tại Pelusium - một thành phố quan trọng của Ai Cập gần cửa sông Nile để đón đầu quân Ba Tư, và đó là quyết định đúng. Pháo đài đó quá vững chắc, lại trang bị đầy đủ khí tài, lương thực nên liên tiếp đẩy lui từng đợt tấn công của người Ba Tư - thời điểm đó là một đội quân khét tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên vận mệnh của trận chiến bỗng chốc thay đổi, tất cả là nhờ sự xảo quyệt của Cambyses và... những con mèo.

Mất cả quốc gia vì mèo

Một trong những nữ thần được tôn sùng bậc nhất Ai Cập thời cổ là Bastet - thường được mô tả là người phụ nữ có cái đầu của một con mèo. Đây là nữ thần của gia đình, tình yêu, khả năng sinh nở, của phụ nữ và bí mật.

Sinh vật tượng trưng cho nữ thần là mèo, vậy nên người Ai Cập cực kỳ tôn sùng loài vật này, coi đây là thánh thú. Bất kỳ ai giết mèo, dù chỉ một con, cũng sẽ bị tử hình. Thậm chí theo lịch sử ghi lại thì nếu có hỏa hoạn xảy ra, họ sẽ cứu sống mèo trước rồi mới thoát thân. Mèo cũng là sinh vật hiếm hoi được ướp xác và chôn cất giống như con người.

Nêu vậy để biết rằng người Ai Cập cực kỳ yêu quý, tôn sùng mèo và Cambyses II biết được điều đó.

Người Ai Cập tôn thờ mèo.
Người Ai Cập tôn thờ mèo.

Cambyses đã ra lệnh vẽ hình thần Bastet lên khiên của binh lính. Khủng khiếp hơn, ông sắp đặt lên tiền tuyến cả một đội quân mèo. Ngoài ra còn có chó, cừu, hạc... hoặc bất kỳ loài vật nào người Ai Cập tôn sùng.

Kết quả, quân đội Ai Cập dưới thời Psammenitus khi thấy nữ thần vẽ trên khiên của kẻ thù đã cảm thấy run sợ, không dám chiến đấu. Cộng thêm việc nguyên một đàn "linh vật" lao tới dưới chân, tất cả đều bỏ vị trí và tháo chạy. Lính Ai Cập bị tàn sát, xác chồng lên xác nhiều đến mức Herodotus - nhà sử học nổi tiếng của Hy Lạp cổ - ghi lại rằng xương của họ vẫn còn lẫn trong cát sau đó nhiều năm.

Tranh biếm họa về trận chiến Pelusium.
Tranh biếm họa về trận chiến Pelusium.

Sau trận chiến, hoàng đế Cambyses II tiến về bao vây thành Memphis. Kết quả, thành trì Memphis thất thủ, Psammenitus bị bắt, Ai Cập thuộc về Cambyses II.

Vậy mới thấy, các boss trong lịch sử đã có tác động nhiều thế nào, đến mức người Ai Cập thua cả một trận chiến vận mệnh vì chúng.

Cập nhật: 07/06/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,52
  • 6.142