Loài vật biểu tượng của Australia có rất nhiều điểm tương đồng với con người về mặt di truyền. Theo các nhà khoa học, chuột túi và chúng ta từng có có chung tổ tiên cách đây ít nhất 150 triệu năm.
Đây là lần đầu tiên các chuyên gia sinh học và di truyền học của Australia tiến hành lập bản đồ gene của loài chuột túi (kangaroo) trong một dự án do chính phủ tài trợ.
“Chúng tôi ngạc nhiên khi phát hiện sự tương đồng về số lượng và cấu trúc gene giữa người và chuột túi. Hai loài có rất nhiều gene giống hệt nhau”, Jenny Graves, giám đốc dự án, phát biểu. Ông và cộng sự phát hiện thêm 14 gene chưa từng được biết tới của chuột túi và cho rằng những gene đó cũng tồn tại trong con người.
Các nhà khoa học đã lập bản đồ ADN của vài chục động vật, trong đó có chuột và tinh tinh – những loài có quan hệ gần gũi với con người trong lộ trình tiến hóa. Jenny cho rằng mối liên quan giữa kangaroo và con người khiến bản đồ gene của chúng trở nên hữu ích trong việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của con người.
Thông qua việc sắp xếp gene của các loài động vật khác nhau, giới khoa học có thể phát hiện những gene mà họ chưa từng biết và sự thay đổi của những đặc tính di truyền. Những cấu trúc không thay đổi thường có vai trò rất quan trọng.
Nhóm nghiên cứu cho rằng con người và chuột túi từng có chung một tổ tiên cách đây ít nhất 150 triệu năm, trong khi chuột đồng và người mới tách ra thành hai loài từ khoảng 70 triệu năm trước. Ban đầu chuột túi xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng dần dần chúng di cư qua châu Mỹ tới Australia và Nam Cực.
"Chuột túi là nguồn dữ liệu khổng lồ đối với những nghiên cứu về cuộc sống của con người cách đây 150 triệu năm", Jenny phát biểu.