Người hiện đại ít đột biến hơn trước

  •  
  • 350

Sau khi so sánh các thay đổi về gene di truyền ở hậu duệ nhiều loài linh trưởng, các nhà nghiên cứu phát hiện tốc độ đột biến ở loài người chậm đi kể từ khi tách khỏi linh trưởng.

Có lẽ đây là tin tức gây thất vọng trong cộng đồng những người hâm mộ các loạt phim về người đột biến như X-Men, nhưng kết quả nghiên cứu giúp hóa giải một số nghi vấn lâu nay về quá khứ của loài người.
“Suốt 6 năm qua, một số báo cáo được thực hiện với quy mô lớn về đề tài này đã giúp chúng tôi nắm rõ thông tin về số lượng đột biến mới xảy ra ở người qua từng năm”, theo nhà di truyền học dân số Søren Besenbacher của Đại học Aarhus (Đan Mạch). Đại học này đã phối hợp với Sở thú Copenhagen thu thập thông tin di truyền về cha mẹ và hậu duệ của tinh tinh, khỉ đột và đười ươi nhằm so sánh tốc độ đột biến của chúng so với nhân loại.

Loài đười ươi đang đối mặt nguy cơ sinh tồn vì môi trường thay đổi.
Loài đười ươi đang đối mặt nguy cơ sinh tồn vì môi trường thay đổi. (ẢNH: REUTERS).

Cuộc phân tích các chuỗi ADN đã tiết lộ số đột biến mới xuất hiện ở mỗi thế hệ, cho phép đội ngũ chuyên gia so sánh số liệu xuyên suốt cây phả hệ của linh trưởng. Khi xem xét dữ liệu tương tự thu thập được ở người, các nhà nghiên cứu phát hiện tốc độ đột biến của mỗi 10 gia đình linh trưởng cao trung bình gấp 150% lần so với chúng ta. Có vẻ như tình trạng đột biến chậm đi ở loài người chỉ mới diễn ra trong thời gian khá gần, có lẽ khoảng 400.000 năm trước, không lâu sau khi tổ tiên của chúng ta được chính thức xếp vào chi người hiện đại. Phát hiện mới cho phép các nhà khoa học thời nay đưa ra những mốc chính xác hơn về quá khứ tiến hóa của loài người.

Trước đây, có giả thuyết cho rằng tổ tiên chung cuối cùng của con người và họ hàng gần nhất là tinh tinh tồn tại khoảng 10 triệu năm trước. Trên thực tế, một báo cáo ước tính con người và tinh tinh đã tách ra cách đây 13 triệu năm. Tuy nhiên, nếu sử dụng một số công cụ gene di truyền khác, kết quả rút ngắn lại còn 4 triệu năm. Thế nhưng, dữ liệu thu thập được từ hóa thạch lại phủ nhận cả hai ước tính trên, cho thấy thời điểm này phải gần 8 triệu năm. Kết quả mới có thể đưa ra con số chính xác hơn, từ 6 - 7 triệu năm trước, theo nhà nghiên cứu Mikkel Heide Schierup của Đại học Aarhus trình bày trên chuyên san Nature Ecology & Evolution.

Để giải thích cho tình trạng đột biến suy giảm ở loài người, các nhà nghiên cứu châu Âu đưa ra giả thuyết rằng có lẽ nguyên nhân nằm ở độ tuổi dậy thì và tuổi thọ ở loài người kéo dài hơn, hay cũng có thể do tác động từ môi trường và điều kiện sống. Họ cho rằng tốc độ đột biến giảm đi có thể ít tác động đến sự phát tán gene và giúp chúng ta thay đổi phù hợp với môi trường và điều kiện sống. Trong thời gian tới, đội ngũ chuyên gia đang muốn tìm hiểu thêm về quan hệ giữa thay đổi gene di truyền và khả năng thích nghi của loài người. Kết quả thu được từ hướng nghiên cứu mới có thể giúp dự đoán tương lai không chỉ của nhân loại mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ cây phả hệ linh trưởng.

“Toàn bộ loài linh trưởng lớn đang đối mặt với nguy cơ sinh tồn trong điều kiện hoang dã”, theo chuyên gia Christina Hvilsom của Sở thú Copenhagen. Việc xác định được mối liên hệ của dân số với khí hậu giúp con người hiểu được bức tranh toàn cảnh về cách thức giống loài thích nghi nếu khí hậu thay đổi, theo chuyên gia Hvilsom.

Cập nhật: 30/01/2019 Theo Thanh Niên
  • 350