Người thứ hai được ghép tim lợn tử vong sau 6 tuần

  •  
  • 1.416

Ngày 1/11, Trung tâm Y tế Đại học Maryland thông báo người thứ hai được ghép tim lợn trên thế giới đã qua đời.

Bệnh nhân là Lawrence Faucette, 58 tuổi, một cựu chiến binh và kỹ thuật viên phòng thí nghiệm đã nghỉ hưu. Ông được ghép tim hôm 20/9, có dấu hiệu đào thải vào tuần trước và qua đời ngày 30/10. Thải ghép là hiện tượng hệ miễn dịch của người cấy ghép từ chối, tấn công và phá hủy cơ quan hoặc mô được cấy ghép.

Trước đó, sức khỏe ông tiến triển tốt sau ca ghép, có khả năng đi lại, thậm chí đủ sức để chơi bài với vợ, theo đại diện trung tâm y tế.

Faucette đã được điều trị bằng phương pháp kháng thể thử nghiệm để ức chế hệ miễn dịch và ngăn cản tình trạng đào thải. Tuy nhiên, thải ghép là "thách thức lớn nhất của những ca ghép tạng truyền thống", theo các bác sĩ.

Trong những tuần cuối đời, Faucette trở nên thân thiết với kíp mổ của mình. Bác sĩ phẫu thuật của ông, tiến sĩ Bartley P. Griffith, nói Faucette nhận thức được ca phẫu thuật có ý nghĩa quan trọng thế nào với những tiến bộ y tế trong tương lai.

Mong muốn cuối cùng của người đàn ông là giúp các bác sĩ tận dụng tối đa những gì học được từ kinh nghiệm của mình để giúp các bệnh nhân khác tiến triển tốt hơn.

Faucette nhập viện lần đầu ngày 14/9, ở giai đoạn cuối của bệnh suy tim, cần phải hồi sức. Ngày hôm sau, ông được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cấy ghép khác loài (xenotrans) như biện pháp cuối cùng, bởi các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khiến ông không thể ghép tim kiểu truyền thống.

 Lawrence Faucette chụp ảnh cùng vợ, Ann, sau cuộc phẫu thuật.
Lawrence Faucette chụp ảnh cùng vợ, Ann, sau cuộc phẫu thuật. (Ảnh: AP).

"Anh ấy biết thời gian chúng tôi ở bên nhau còn rất ngắn ngủi. Đây là cơ hội cuối cùng anh ấy có thể làm điều gì đó cho người khác. Anh ấy chưa từng tưởng tượng mình sẽ sống sót lâu như vậy, hoặc có thể cung cấp nhiều dữ liệu đến thế cho chương trình xenotransplant", vợ ông, bà Ann Faucette nói.

Trái tim lợn ghép cho Faucette đã được sửa đổi một số gene, đồng thời bổ sung thêm gene người để ngăn chặn sự đào thải. Năm ngoái, Trung tâm Y tế Đại học Maryland đã hoàn thành ca ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới cho bệnh nhân David Bennett, 57 tuổi. Người này sống sót được hai tháng với nội tạng mới, sau đó qua đời vì bị nhiễm virus lợn.

Theo bác sĩ phẫu thuật Muhammad Mohiuddin, người trực tiếp tham gia kíp mổ, đối với bệnh nhân Bennett, bệnh viện dự kiến phân tích sâu rộng để xác định các yếu tố có thể ngăn ngừa được trong các ca cấy ghép tương lai. Điều này cho phép các chuyên gia có thêm kiến thức và kinh nghiệm ở lĩnh vực xenotrans.

Gần đây, NYU Langone Health đã ghép thành công một quả thận lợn vào bệnh nhân chết não thông qua quy trình chỉnh sửa gene tương tự.

Cập nhật: 14/11/2024 VnExpress
  • 1.416