Bệnh nhân nhận tim lợn cấy ghép đầu tiên trên thế giới đã tử vong

  •  
  • 1.090

Người đầu tiên được ghép tim lợn đã qua đời 2 tháng sau khi được cấy ghép.

Người được ghép tim lợn đầu tiên trên thế giới, ông David Bennett, 57 tuổi, qua đời ngày 8.3 tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland. Các bác sĩ Mỹ không công bố nguyên nhân chính xác của ca tử vong mà chỉ tiết lộ rằng tình trạng của người đàn ông nhận tim lợn 2 tháng trước đó bắt đầu xấu đi từ vài ngày trước khi chết.

Ông Bennett mắc bệnh tim giai đoạn cuối và đã được cấy ghép tim lợn vào ngày 7/1.
Ông Bennett mắc bệnh tim giai đoạn cuối và đã được cấy ghép tim lợn vào ngày 7/1.

Bác sĩ Bartley P. Griffith, người đã cấy ghép tim lợn cho ông Bennett tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland, cho biết trong một tuyên bố: “Hàng triệu người trên thế giới đã biết tới ông Bennett nhờ lòng dũng cảm và ý chí sống kiên định”.

Ông Bennett mắc bệnh tim giai đoạn cuối và đã được cấy ghép tim lợn vào ngày 7/1. Ông Bennett không đủ điều kiện để cấy ghép tim thông thường hoặc dùng máy bơm tim nhân tạo. Cấy ghép tim lợn là lựa chọn khả dụng duy nhất vào thời điểm đó.

Trung tâm Y tế Đại học Maryland cho biết trái tim lợn được cấy ghép hoạt động tốt trong vài tuần mà không có bất kỳ dấu hiệu đào thải nào.

Sau cuộc phẫu thuật ngày 7.1, con trai của ông Bennett chia sẻ rằng cha anh biết không có gì đảm bảo rằng quả tim lợn được cấy ghép sẽ hoạt động.

Các bác sĩ Mỹ thực hiện ca ghép tim lợn đầu tiên cho người.
Các bác sĩ Mỹ thực hiện ca ghép tim lợn đầu tiên cho người. (Ảnh: Reuters).

Những nỗ lực trước đó trong việc cấy ghép nội tạng như vậy phần lớn thất bại vì cơ thể bệnh nhân nhanh chóng đào thải nội tạng động vật. Lần này, các bác sĩ phẫu thuật ở Maryland đã sử dụng một quả tim từ một con lợn đã chỉnh sửa gene: Các nhà khoa học sửa đổi để loại bỏ các gene lợn kích hoạt quá trình đào thải siêu nhanh và thêm gene người để giúp cơ thể tiếp nhận nội tạng.

Lúc đầu, quả tim lợn vẫn hoạt động bình thường, và bệnh viện Maryland cập nhật định kỳ rằng ông Bennett dường như đang dần hồi phục.

Trên thực tế, phẫu thuật ghép tạng từ động vật sang người - có tên khoa học là "xenotransplantation" - là phương pháp đã có từ lâu. Hàng trăm năm trước, nhiều bác sĩ đã thử nghiệm bơm máu và ghép da của động vật cho các bệnh nhân. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, một số bệnh nhân đã được ghép thận của tinh tinh, song người sống lâu nhất chỉ được 9 tháng. Năm 1984, một bé sơ sinh - được đặt tên là "Baby Fae" - đã được ghép tim từ khỉ đầu chó. Tuy nhiên, cô bé không qua khỏi sau 20 ngày.

Các bác sỹ cho biết, ông Bennett là một bệnh nhân dũng cảm đã chiến đấu đến cùng. Ca ghép tim lợn của ông sẽ góp thêm nỗ lực trong nghiên cứu ghép tạng động vật nhằm chấm dứt tình trạng thiếu tạng ghép trên thế giới.

Cập nhật: 11/03/2022 Theo Báo Pháp Luật
  • 1.090