Các nhà nghiên cứu mới đây đã chỉ ra, biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta chưa có cuộc gặp gỡ với người ngoài hành tinh.
Rất nhiều lập luận, bằng chứng được đưa ra nhằm chứng minh cho giả thuyết người ngoài hành tinh tồn tại và từng ghé thăm Trái đất. Trong một cuộc tranh luận không chính thức năm 1950, nhà vật lý Enrico Fermi đặt câu hỏi, nếu nhiều nền văn minh tiên tiến ngoài Trái đất tồn tại trong thiên hà thì sao tàu vũ trụ hay các máy thăm dò lại không tìm thấy.
Và lý do gì khiến chúng ta chưa có bất cứ cuộc gặp gỡ tiếp xúc với người ngoài hành tinh? Câu hỏi này sau đã được đặt tên là "Nghịch lý Fermi".
Có khá nhiều lời giải thích được đưa ra nhằm lý giải tại sao chúng ta chưa có cuộc gặp gỡ nào với người ngoài hành tinh. Một giả thuyết đề cập rằng, lý do người ngoài hành tinh chưa đến Trái đất là bởi vì họ không có đủ thời gian để đến.
Giả thuyết này được các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Harvard củng cố khi họ khám phá một thế giới mới gọi là “mega-Earth”. Với tên gọi là Kepler 10c, hành tinh này có đường kính khoảng 29.000km, so với 13.000km của hành tinh chúng ta và khối lượng gấp khoảng 17 lần Trái đất.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, "thế giới mới" này nắm giữ một bầu không khí dày đặc, “mega-Earth” cũng có nhiệt độ và áp lực lớn giống Trái đất.
Vậy tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa có cuộc gặp gỡ nào với người ngoài hành tinh? Câu trả lời được nhiều người ủng hộ hiện nay chính là bởi biến đổi khí hậu. Trái đất ngày một nóng lên nhờ vào sự "góp công" rất lớn của khí thải nhà kính.
Các mô hình dự đoán rằng, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi thì nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng lên khoảng 3 độ C. Dự báo, nếu không có biện pháp khắc phục hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng lên 1,5 - 4,5 độ C vào năm 2050. Điều này phần nào khiến người ngoài hành tinh chùn bước khi có ý định ghé thăm Trái đất.
Bên cạnh đó, sự thay đổi diện tích địa chất cũng ảnh hưởng không nhỏ tới bầu không khí và sự phản xạ nhiệt của Trái đất. Hành tinh của chúng ta đã có sự biến đổi khí hậu trong suốt 4 tỷ năm qua, một môi trường lý tưởng, ổn định là điều kiện tiên quyết để thu hút sự ghé thăm người ngoài hành tinh.
Cũng có nhà khoa học cho rằng, giống người Trái đất, người ngoài hành tinh cũng có thể sử dụng những phương tiện giúp rút ngắn cuộc tìm kiếm bằng cách bắt những làn sóng truyền hình hay truyền thanh từ các hành tinh kia.
Nhưng ngay cả khi đó, nếu họ phát triển được một hình thức giao thông độc đáo nào có thể đưa họ đi xuyên qua dải Ngân hà trong hai tuần thì vẫn phải mất hàng triệu năm mới tìm ra chúng ta.
Ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cũng đặt ra một số giả thiết cho việc tại sao đến giờ phút này chúng ta vẫn chưa gặp được người ngoài hành tinh:
Có thể người ngoài hành tinh đang ngủ đông.
Năm 2017, một nhóm nghiên cứu của trường đại học Oxford đã đề xuất một giả thuyết có tên Aestivation. Ý tưởng của giả thuyết này là hầu hết người ngoài hành tinh đang ngủ đông (như loài gấu), nhưng với thời gian lâu hơn. Các nhà khoa học lý giải rằng bất kỳ nền văn minh tiên tiến nào cuối cùng rồi cũng đến lúc hợp nhất với máy móc, tạo thành một xã hội số toàn diện, có khả năng suy nghĩ, hành động và vận hành vượt ngoài sức tưởng tượng của con người hiện nay. Vấn đề duy nhất với họ là giữ lạnh. Nhìn nhận từ các hệ thống làm lạnh trên Trái Đất, chúng hoạt động hiệu quả hơn gấp 10 lần nếu môi trường xung quanh lạnh hơn 10 lần. Do đó, hoàn toàn có cơ sở logic cho rằng người ngoài hành tinh ở kỷ nguyên kỹ thuật số ngủ đông trong vài nghìn tỷ năm hoặc nhiều hơn, khi vũ trụ giãn nở và trở nên nguội đi. Bằng cách này, họ có thể tăng sức mạnh để làm những việc khác quan trọng hơn như chinh phục thiên hà, thay vì chỉ đơn thuần cố gắng kiềm chế nhiệt độ trên hành tinh của họ.
Một ý tưởng khác được đề xuất vào năm 2016 là giả thuyết Gaian Bottleneck. Giả thuyết này đề cập đến thực tế là nhiều hành tinh đá trẻ, tuổi đời không quá một tỷ năm có khí hậu cực kỳ bất ổn, cuối cùng trở nên quá nóng hoặc quá lạnh để sự sống có thể tồn tại lâu dài. Lấy Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa làm ví dụ. Bốn tỷ năm trước, cả ba hành tinh này đều có điều kiện sống phù hợp, thậm chí có thể cùng từng tồn tại những loài vi sinh vật đơn giản. Nhưng như chúng ta đã thấy, chỉ có sự sống trên Trái Đất là còn kéo dài tới ngày nay. Theo thuyết Gaian Bottleneck, nguyên nhân là do sự phát triển quá nhanh chóng của sự sống nguyên thủy trên Trái Đất, kéo theo lượng oxi lớn được giải phóng vào khí quyển, giúp ổn định khí hậu. Tuy nhiên, tình huống này dường như là một ngoại lệ so với thông thường. Vì thế, cũng có thể lý do chúng ta không tìm thấy người ngoài hành tinh là vì tất cả họ đều đã chết.
Có một đại dương ngầm dưới bề mặt sao Diêm Vương.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như cuộc sống có thể phát triển ở điều kiện môi trường hoàn toàn khác, an toàn trước những biến động nhiệt độ và bức xạ nhiệt? Đó là những gì chuyên gia nghiên cứu về các hành tinh Alan Stern đưa ra vào năm 2017, khoảng một năm sau khi phát hiện bằng chứng cho thấy Sao Diêm Vương có một đại dương dưới lòng đất. Trên thực tế, Sao Diêm Vương, Europa (vệ tinh của Sao Mộc) và Enceladus (vệ tinh của Sao Thổ), có lớp vỏ băng giá phủ phía trên một đại dương ngầm rộng lớn. Những nơi này có thể trở thành cái nôi của sự sống, tốt hơn so với các hành tinh tương tự Trái Đất, nơi rất dễ bị tổn thương khi có sự thay đổi nhiệt độ và bức xạ năng lượng cao tấn công vùng bề mặt. Nếu giả thuyết khả thi, rất có thể có một cuộc sống văn minh nào đó chìm trong nước, tách biệt khỏi phần còn lại của vũ trụ, khó có khả năng giao tiếp.
Bất kể lý do có là gì, việc chúng ta cần làm là tìm ra cách nâng cao hiệu quả tìm kiếm cho những khám phá quan trọng bậc nhất trong lịch sử loài người như vậy.