Người nông dân thích làm việc ở ngoài đồng hơn là ngồi "lướt net". Có một dự án đang dần khiến họ thay đổi thói quen đó.
Dự án nhỏ, ý nghĩa lớn
Thời gian gần đây, ông Bùi Văn Hải, chủ tịch UBND xã Ninh Giang (Hoa Lư, Ninh Bình) thường đi làm sớm hơn nửa giờ để có thời gian vào Internet, đặc biệt là vào chuyên trang dành cho nông dân (http://nguoinongdan.vietnamgateway.org) thuộc Cổng Phát Triển Việt Nam (VnDG) (*) để khai thác thông tin phục vụ bà con nông dân trong xã. Không những thế, ông Hải còn quyết định mua thêm 2 máy tính cho UBND, phục vụ khai thác thông tin và điều hành.
Chuyển biến này xảy ra sau khi Ninh Giang được VnDG chọn là một trong 4 xã của Ninh Bình triển khai thử nghiệm mô hình cung cấp thông tin hai chiều cho nông dân qua Internet.
Dự án này không chỉ có tác động trong phạm vi thử nghiệm, mà còn ảnh hưởng tích cực đến các địa phương khác. Thầy giáo Trần Văn Minh, một giáo viên nghèo ở trường THCS Quang Thiện (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) cũng sử dụng máy tính của trường truy cập chuyên trang dành cho nông dân và tìm được thông tin về kỹ thuật trồng hoa hồng. Thầy Minh áp dụng kỹ thuật này và kết quả là cuộc sống gia đình thầy trở nên khá giả. Thầy Minh còn đem những kiến thức đọc được trên chuyên trang dành cho nông dân giúp những người khác thoát nghèo.
Quá trình thử nghiệm đã kích thích, khiến nhiều nông dân hào hứng vào Internet xem tin, thậm chí từ máy tính tại nhà. Ông Bùi Văn Hải cho biết, có những ngày người dân đặt ra hàng trăm câu hỏi cho những người triển khai mô hình.
Chính quyền tỉnh Ninh Bình đánh giá cao kết quả thử nghiệm và chỉ đạo triển khai mở rộng mô hình ra toàn tỉnh. Ngoài Ninh Bình, VnDG còn thử nghiệm mô hình này tại 4 xã thuộc tỉnh Thái Bình và cũng thu được những kết quả tương tự. Nhiều hội khoa học kỹ thuật (KHKT) các tỉnh tha thiết muốn đưa mô hình về địa phương. Theo đánh giá của ông Vũ Đức Đam, thứ trưởng Bộ Bưu Chính Viễn Thông, đây là một dự án rất nhỏ nếu xét theo quy mô tài chính, nhưng lại có ý nghĩa rất lớn.
Vài nét về mô hình
TS Trần Thị Thu Hương, giám đốc VnDG cho biết, mô hình cung cấp thông tin 2 chiều có mục đích giúp người dân tiếp cận thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp và các thông tin phục vụ cuộc sống trên Internet nhanh, hiệu quả, đáng tin cậy, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT ở địa bàn trình độ dân trí thấp, qua đó giúp nông dân tự vươn lên xóa nghèo.
Tham gia mô hình này, có các nhân tố với vai trò như sau:
Ban dự án VnDG thu thập, phát triển thông tin trên cổng VnDG và chuyên trang dành cho nông dân; tiếp nhận, xử lý các yêu cầu về thông tin được gửi đến; trung chuyển yêu cầu nội dung thông tin giữa bà con và các chuyên gia, các đơn vị tư vấn; giải thích mô hình, đào tạo kỹ thuật, hướng dẫn truy cập, sử dụng Internet, khai thác thông tin; điều phối các thành viên tham gia.
Các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) thu nhận nhu cầu về thông tin của bà con và gửi thư điện tử đến VnDG để yêu cầu cung cấp thông tin; tra cứu, lấy thông tin trả lời, in ấn và chuyển cho người yêu cầu cung cấp tin; hướng dẫn, hỗ trợ bà con sử dụng Internet. Các vấn đề về đường truyền, trang thiết bị kết nối tại các điểm BĐVHX, đào tạo nhân viên BĐVHX... do bưu điện tỉnh đảm nhiệm.
Chính quyền xã chỉ đạo các tổ chức, hội ở địa phương cung cấp thông tin cho bà con; chỉ đạo phổ biến thông tin qua hệ thống phát thanh của xã, qua các tổ chức hội; cung cấp yêu cầu thông tin, yêu cầu nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo tập huấn, chuyển giao công nghệ cho xã và phối hợp với VnDG tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn tại xã.
Một số cá nhân tích cực do chính quyền xã lựa chọn có nhiệm vụ tập hợp yêu cầu về thông tin từ bà con, chính quyền, tổ chức, hội tại cơ sở và chuyển sang điểm BĐVHX hoặc chuyển thẳng đến VnDG; tiếp nhận thông tin từ điểm BĐVHX hoặc VnDG chuyển đến UBND, phổ biến lại cho bà con qua đài hoặc đưa trực tiếp.
Các chuyên gia về nông nghiệp và một số tổ chức là đối tác cung cấp thông tin, kiến thức, tư vấn và trả lời theo yêu cầu của VnDG; phối hợp phổ biến kiến thức qua đào tạo từ xa hoặc trực tiếp.
Để hoàn thiện hơn
Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình còn gặp một số khó khăn. Đó là sự e dè của phần lớn bà con nông dân, kể cả các cán bộ xã đối với CNTT, Internet. Một số nhân viên BĐVHX trình độ chưa cao nên còn lúng túng, ít năng động trong việc khuyến khích bà con đến sử dụng Internet. Một số cán bộ xã được lựa chọn làm nhân tố tích cực nhưng bận công tác nên chưa dành thời gian cho công việc này. Đường truyền dial-up quá chậm và cước phí còn đắt, khiến bà con ít trao đổi thông tin mặc dù nhu cầu rất lớn. Các điểm BĐVHX còn ít, không đủ bao quát, nên không thuận lợi với những người ở xa.
Ông Dương Bá Trực, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hội KHKT tỉnh Lào Cai nhận xét: Người nông dân không thích ngồi 1-2 tiếng tìm thông tin trên Internet. Họ quý 1-2 tiếng lao động ngoài đồng ruộng hơn. Mặt khác, thông tin trên mạng bao la, không dễ hiểu, trong khi nhu cầu của nông dân rất cụ thể và khác nhau. Do đó, bộ phận chọn lọc, xử lý và giải đáp thông tin rất quan trọng.
Một điểm quan trọng nữa trong việc thực hiện mô hình này là phải nắm được nhu cầu của nông dân. Theo một số người quan sát thì chiều xuôi (cung cấp thông tin) đã làm tương đối tốt, nhưng chiều ngược lại thì chưa. Việc phổ biến kinh nghiệm của nông dân, thu nhận yêu cầu, trả lời câu hỏi của nông dân còn hơi ít.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng thông tin về các công nghệ trước thu hoạch trên chuyên trang khá phong phú, nhưng về các công nghệ sau thu hoạch, như bảo quản, chế biến... còn sơ sài. Thông tin cần đa dạng hơn, không nên bó hẹp trong phạm vi khoa học kỹ thuật, làm ăn. Nguồn cung cấp cần được chọn lọc vì thông tin trên Internet không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Cần có những mô hình cụ thể và tổ chức huấn luyện, vì nông dân ưa cụ thể, thích nhìn tận mắt, sờ tận tay. Cơ chế phối hợp, nguồn kinh phí là những điều rất quan trọng để mô hình có hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Hữu Tăng, phó chủ tịch Liên Hiệp Các Hội KHKT (viết tắt là LHH), nên lấy hiệp hội KHKT các địa phương làm nòng cốt phối hợp thực hiện mô hình. Kinh phí có thể nhờ Bộ BCVT hỗ trợ một phần. Ngoài ra, LHH sẽ kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ. Ông Vũ Đức Đam cho biết, Quỹ Viễn Thông Công Ích của ngành có số tiền đóng góp lên tới 1.000 tỉ đồng/năm, trong đó sẽ dành một phần cho CNTT. Ông Đam cũng giới thiệu mô hình điểm BĐVH thôn (đã thực hiện ở Bắc Ninh) có thể áp dụng cho dự án này, đồng thời cho biết sẽ khuyến khích ngành bưu điện đưa ADSL về vùng sâu, vùng xa.
------------------------------------------------
(*): VnDG (Vietnam Development Gateway) là một dự án thuộc Trung Tâm Phát Triển Bền Vững - Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, và là một phần của Cổng Phát Triển Toàn Cầu (DG- Development Gateway)
Thụy Anh