Khắp thế giới, nổi tiếng lâu đời nhất và tiêu biểu nhất cho những sâm “thứ thiệt”, đầu tiên phải kể nhân sâm Cao Ly. Vậy các quốc gia khác di thực nhân sâm Cao Ly về trồng, kết quả ra sao?
Nhân sâm Cao Ly được người Triều Tiên bắt đầu trồng từ năm 1757. Hiện thời, diện tích canh tác sâm thương mại của bán đảo này tập trung chủ yếu tại miệt Khai Thành và các địa phương lân cận ở quanh vĩ tuyến 38, ước hơn 4.000ha. Tại khu vực đó, thời gian mỗi vụ nhân sâm, từ ươm giống đến đào củ, bình quân 6 năm.
Nhân sâm Cao Ly trồng tại Nhật Bản.
Bất ngờ thay, đất nước trồng sâm Cao Ly sớm nhất không phải Triều Tiên, mà lại là Nhật Bản. Dân xứ Phù Tang rất chuộng đệ nhất danh dược, suốt bao lâu vẫn phải nhập mặt hàng này từ Triều Tiên qua đường biển, khiến họ tự đặt câu hỏi: Đất nước Nhật với Triều cũng gần nhau; vĩ tuyến 38 đều chạy qua các vùng Sado, Yamagata, Niigata, Sendai, Fukushima của xứ sở mặt trời mọc; vậy cớ sao không thử lấy giống nhân sâm mà trồng?
Công việc được tiến hành từ năm 1713, sau một thời gian thì gặt hái thành công: Cây sâm Cao Ly hoàn toàn thích nghi thủy thổ Nhật Bản, cho củ đạt yêu cầu về hình thái thực vật cũng như tác dụng dược lý.
Ngày nay, Nhật Bản đã quy hoạch 725ha chuyên trồng sâm Cao Ly.
Nước hiện canh tác sâm Cao Ly với diện tích lớn nhất thế giới lại là… Trung Hoa, tập trung ở hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, gồm khoảng 7.000ha, bình quân mỗi năm thu hoạch 750 tấn củ.
Khu vực Hoành Đạo Xuyên thuộc huyện Hoàn Nhân, tỉnh Liêu Ninh, được xem là nơi thích hợp nhất, nhưng trồng cho được sâm Cao Ly cũng quá đỗi công phu vì cây mọc rất chậm, sau 6 năm mới ra củ nhỏ xíu nên thường phải mất 10 năm chăm sóc mới dùng được.
Các địa phương khác còn tốn thời gian hơn, như ở Thạch Trụ thuộc huyện Khoan Diện mỗi vụ sâm kéo dài những 18~20 năm.
Nga cũng trồng sâm Cao Ly từ năm 1910 với quy mô đồn điền. Nhân sâm là cây ưa bóng râm nên được nông dân Nga trồng dưới lán che nắng.
Ngày nay, tại Nga, các nông trường chuyên canh nhân sâm Cao Ly vẫn tiếp tục “ăn nên, làm ra” ở Примóрский край/Primorsky krai còn gọi Приморье/Primorye và Хабáровск/Khabarovsk. Ấy là 2 nơi trù mật của vùng mang tên Дáльний Востóк /Viễn Đông.
Hoa Kỳ trồng nhân sâm Cao Ly.
Tít tận bên kia Thái Bình Dương, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng có vĩ tuyến 38 vắt ngang. Người Mỹ bèn khảo sát thổ nhưỡng và khí hậu một số khu vực, tìm địa điểm tương tự miệt Khai Thành của Triều Tiên để di thực nhân sâm về trồng. Chẳng ngờ ở “tân thế giới”, sâm Cao Ly phát triển rất tốt, nhất là tại bang California.
Tiếp tục chuyển giống sâm lên quá vĩ tuyến 40, thử trồng ở các bang Minnesota và Wisconsin quanh vùng Great Lakes / Hồ Lớn, cũng thành công. Hiện nay, riêng bang Wisconsin có 2.100ha nhân sâm.
Hoa Kỳ trồng được sâm Cao Ly, thì láng giềng Canada còn gọi Gia Nã Đại cũng áp dụng. Quốc gia này hiện có 756ha ở tỉnh British Colombia và 1.260ha ở tỉnh Ontario chuyên trồng sâm Cao Ly, tạo nguồn thu nhập đáng kể.
Một số quốc gia khác như Ấn Độ, Nepal, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ba Lan từng thử nghiệm trồng sâm Cao Ly, cũng thu kết quả khả quan, song diện tích quá bé.
Toàn bộ nhân sâm trồng ở các nước, sau khi thu hoạch rồi chế biến, phần lớn đều được/bị dán nhãn sâm Cao Ly. Do đó, nếu không xem kỹ nơi sản xuất, người tiêu dùng dễ bị mua hớ.
Sâm Cao Ly “chính hiệu” Triều Tiên là số 1, kế đó mới kể nhân sâm “ra lò” tại Hoa Kỳ và Trung Hoa. Theo tờ The Straits Times thì có những người thích sâm Cao Ly của Mỹ hơn vì tính “mát”, chứ sâm Cao Ly của Triều Tiên tính “nóng”.
Nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TPHCM là TS Trần Công Luận cung cấp chi tiết thú vị:
Điều kỳ lạ là thỉnh thoảng, người ta phát hiện sâm Cao Ly mọc hoang dại trên dãy Himalaya/Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Do đó, có giả thuyết rằng “mái nhà thế giới” ở Ấn Độ - Tây Tạng chính là “thánh địa” phát tích mọi loài sâm. Có loài sâm đôi khi được các nhà phân loại học thực vật gắn đuôi himalaicus khi định danh Latinh đó.
Bấy lâu, các chuyên gia quốc tế công nhận 11 loài sâm “thứ thiệt”. Ấy là sâm Cao Ly cùng các cây sâm Mỹ, sâm Trung Quốc, sâm Nhật mà quý bạn đọc đã nắm thông tin.
Quan sát bản đồ thế giới, người ta nhận thấy phạm vi phân bố tất cả loài nhân sâm chính thức khởi phát từ Himalaya, kéo dài khắp miền đông bắc Trung Hoa và vùng Viễn Đông nước Nga, qua Triều Tiên - Đại Hàn, Nhật Bản, đến Bắc Mỹ.
Từ đó, các chuyên gia trên hoàn vũ đúc kết: Nhân sâm “thứ thiệt” chỉ hiện hữu trong khu vực ôn đới của Bắc bán cầu. Thêm bất ngờ nữa, quy luật kia bị phá vỡ lúc loài nhân sâm đặc sắc thứ 12 được phát hiện nơi xứ nhiệt đới, ngay tại miền Trung đất nước Việt Nam.