Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần duy nhất trong năm nay, hiện tượng chỉ quan sát được từ Nam Cực.
Trái đất trong thời gian diễn ra nhật thực toàn phần khi nhìn từ trạm ISS. (Ảnh: NASA/Kayla Barron)
Nhật thực bắt đầu vào 14h ngày 4/12 theo giờ Hà Nội. Bảy phi hành gia đang sống trên trạm ISS tập trung quanh Cupola, cửa sổ lớn hình vòm ở module Tranquility của trạm ISS để quan sát hiện tượng thiên văn hiếm gặp.
"Phi hành đoàn Expedition 66 nhìn qua Cupola để xem nhật thực toàn phần diễn ra phía trên Nam Cực và Nam Đại Dương. Tại đây, Mặt trăng đổ bóng lên bề mặt Trái đất", phi hành gia Kayla Barron chia sẻ.
Nhật thực đạt đỉnh vào khoảng 14h44 ngày 4/12. Pha toàn phần kéo dài 2 phút, khi đó toàn bộ đĩa Mặt trời bị Mặt trăng che khuất. Một phần đĩa nhanh chóng xuất hiện sau đó, dần dần thoát khỏi chiếc bóng của Mặt trăng. Vào 15h06 cùng ngày, nhật thực kết thúc.
Ngoài các phi hành gia trên trạm ISS, vài nghìn nhà nghiên cứu đang làm việc tại các trạm khoa học ở Bắc Cực cũng có dịp theo dõi hiện tượng. Cùng với họ, hàng trăm nghìn con chim cánh cụt hoàng đế đã trải qua khoảnh khắc bầu trời đột nhiên tối sầm.
Những nơi khác trên thế giới như Australia, New Zealand, Argentina và Nam Phi có thể quan sát nhật thực bán phần. Việc nhìn thẳng vào đĩa Mặt trời bị che khuất một phần mà không có kính chuyên dụng hoặc ống ngắm rất nguy hiểm. Lần nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2023 và có thể quan sát từ nhiều nơi ở phía nam và phía đông châu Á.