Nhện ăn cùng nhau thì ở cùng nhau

  •  
  • 1.172

Các nhà động vật học UBC mới đây đã phát hiện khả năng phối hợp hoạt động cùng nhau để bắt các con mồi lớn đã cho phép các loài nhện sống theo đàn mở rộng bộ luật của tự nhiên để đạt đến kích cỡ đàn khổng lồ.

Phát hiện được công bố trên số ra tuần này của tờ Proceedings of the National Academy of Science. Nó sẽ giải thích tại sao nhện sống theo bầy lại phát triển thịnh vượng ở các vùng nhiệt đới nhưng bầy đàn của nó lại thu nhỏ lại khi vĩ độ cũng như độ cao tăng lên.

Leticia Avilés – tác giả chính kiêm phó giáo sư khoa Động vật học, UBC – cho biết: “Kích cỡ của sinh vật dường như bị bó hẹp trong quy định về tỉ lệ mà các nhà khoa học gọi là ‘tỉ lệ bề mặt và thể tích’”. Trong khi các sinh vật thường có nhu cầu năng lượng tỉ lệ thuận với thể tích, chúng lại thu được dinh dưỡng qua bề mặt.

“Khi sinh vật lớn lên, tỉ lệ bề mặt và thể tích của nó giảm đi. Điều này chính là cách mà tự nhiên kiểm soát kích cỡ của các loài khác nhau”.

Quy tắc tương tự cũng có thể áp dụng với các bầy đàn. Diện tích bề mặt của mạng nhện 3 chiều mà các con nhện sống theo bầy sử dụng để bắt con môi thường không phát triển nhanh chóng như số lượng nhện trong ổ. Do đó số lượng con mồi cho mỗi con nhện giảm đi theo kích cỡ của bầy đàn. Nhưng loài nhện Anelosimus eximius – một loài nhện sống theo xã hội lại nổi danh với quần thể khổng lồ của chúng. Một số bầy nhện có số lượng cá thể lên tới 20.000 con. Chúng đã có được khả năng mở rộng quy luật của tự nhiên bằng cách phối hợp cùng nhau, do đó số lượng côn trùng chúng bắt được lớn đáng kể khi bầy đàn phát triển thêm.

Loài nhện Anelosimus sống theo đàn lớn phối hợp với nhau để bắt côn trùng có kích cỡ lớn hơn nhiều so với chúng.

Avilés đã nghiên cứu loài nhện hoang dã tại Amazon Ecuador cùng với sinh viên Eric Yip và sinh viên đã tốt nghiệp Kimberly Powers. Avilés cho biết: “Kích cỡ trung bình của con mồi bắt được tăng gấp 20 lần khi kích cỡ quần thể tăng từ chưa đầy 100 đến 10.000 con nhện”.

“Do đó ngay cả khi số lượng con mồi giảm mạnh khi quần thể lớn lên, sinh khối mà mỗi con nhện thu được về thực chất vẫn tăng”.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các con mồi lớn, trong khi chỉ chiếm 8% chế độ ăn của bầy nhện, lại đóng góp tới 75% nhu cầu dinh dưỡng của bầy.

“Nhưng điều này chỉ có ý nghĩa nhất định”. Avilés thêm rằng sinh khối của con mồi mà bầy nhện tiêu thụ đạt đỉnh khi quần thể có từ 500 đến 1.000 thành viên.

Do loài nhện Anelosimus sống theo bầy đàn rất hiếm thấy ở các vùng có vĩ độ và độ cao lớn, nên chắc hắn “các vùng này không có đủ côn trùng kích cỡ lớn để duy trì tập tính săn bắt nói trên”, Avilés phát biểu.

Trà Mi (Theo PhysOrg)
  • 1.172