Nhện chuối cực độc trở thành cứu cánh cho nam giới mắc bệnh "khó nói"

  •  
  • 350

Ba thập kỷ trước, các nhà khoa học Brazil đã bắt đầu nghiên cứu tác dụng phụ kỳ lạ từ vết cắn của nhện chuối: Chất độc khiến nạn nhân bị chứng cương dương đau đớn và dai dẳng.

Từ hiện tượng đó, các nhà khoa học tạo ra phân tử tổng hợp tận dụng một số đặc tính của chất độc từ nhện để chế ra loại gel điều trị chứng rối loạn cương dương, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầy hứa hẹn.

Nhện chuối là một trong những loài nhện độc nhất thế giới.
Nhện chuối là một trong những loài nhện độc nhất thế giới. (Ảnh: Daily Mail).

Được bao phủ bởi lớp lông dày màu nâu và với kích thước tối đa lên tới 15 cm, nhện chuối là một trong những loài độc nhất trên thế giới.

Loài này sống ở một số quốc gia Nam Mỹ, nhất là trong các đồn điền chuối. Chúng còn được gọi là “nhện lang thang” hoặc “nhện có vũ khí”.

Tại Tổ chức Ezequiel Dias (FUNED), trung tâm nghiên cứu y tế ở thủ phủ Minas bang Gerais Belo Horizonte, một nhà sinh vật học khéo léo dùng nhíp tóm lấy con nhện và kích thích răng nanh của nó để lấy vài giọt nọc độc.

Sau đó, FUNED gửi nọc độc đến Đại học Liên bang Minas Gerais (UFMG), nơi đang nghiên cứu thành phần có thể dùng để điều trị chứng rối loạn cương dương, bệnh ảnh hưởng đến hàng chục triệu nam giới trên khắp thế giới.

Maria Elena de Lima, một nhà nghiên cứu của UFMG cho biết, công ty công nghệ sinh học Brazil Biozeus đã mua bằng sáng chế cho phân tử này.

Phân tử này kích hoạt giải phóng oxit nitric, chất cần thiết cho sự cương cứng nhờ làm tăng lưu thông máu và giúp mạch máu mở rộng.

De Lima cho biết, nghiên cứu này có thể đặc biệt hữu ích trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư, khi nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt thường từ chối phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt vì nó có thể làm tổn thương dây thần kinh và dẫn đến rối loạn chức năng cương dương.

Biozeus muốn bán sản phẩm dưới dạng thuốc mỡ, có thể xoa lên dương vật khi cần thiết, giúp dương vật cương cứng chỉ sau vài phút.

Sau khi giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên được cơ quan quản lý Anvisa của Brazil phê duyệt, loại thuốc này đã chuyển sang giai đoạn hai. Thuốc cần thử nghiệm qua 3 giai đoạn trước khi được phép bán.

Cập nhật: 02/10/2023 Tiền Phong
  • 350