Các nhà khoa học Anh phát hiện bên trong các xác ướp động vật của người Ai Cập cổ chỉ chứa bùn đất, lông vũ chứ không chứa xác động vật.
Kiểm tra hình ảnh hơn 800 xác ướp với hình dáng như mèo, cá sấu, nhóm nghiên cứu phát hiện các đồ tạo tác này đa phần là giả. Trong số này, chỉ một phần ba chứa xác động vật hoàn chỉnh, một phần ba xác ướp khác chứa vài bộ phận của con vật. Số còn lại chỉ được nhồi bằng bùn, gậy, lau sậy và vỏ trứng.
Hình ảnh quét một xác ướp động vật. (Ảnh: The University of Manchester)
"Những thứ chứa bên đồ tạo tác này dường như không mấy quan trọng và cái được quan tâm hơn là bề ngoài, như việc xác ướp có giống với vị thần mà nó được dâng lên hay không", Lidija McKinght, nhà Ai Cập học tại Đại học Manchester, nhận xét.
Nhóm chuyên gia cho rằng dù các con vật được nuôi cho mục đích ướp xác, nhiều khả năng nhu cầu quá lớn đến mức không đáp ứng đủ. Đây là lý do họ thêm các vật liệu như bùn, lau sậy vào mẫu vật.
Theo Telegraph, dù nhiều ý kiến trước đây cho rằng xác ướp động vật không có bộ xương hoàn chỉnh, các nhà khoa học vẫn khá bất ngờ khi khám phá ra bí mật.
Khác với xác ướp con người, xác ướp động vật được dùng như vật tế lễ dâng lên các vị thần. Theo giới khoa học, hoạt động ướp xác động vật ở Ai Cập tồn tại từ năm 800 trước Công nguyên đến năm 400 sau Công nguyên. Cùng với ướp xác, sản xuất và bán quan tài gỗ cho xác ướp cũng tạo ra nguồn thu quan trọng.