Nhóm máu âm tính Rh: Bí ẩn của dấu trừ

  •   52
  • 958

Các quan điểm khoa học dựa trên hàng loạt nghiên cứu nhóm máu khẳng định đây đơn thuần chỉ là sự đột biến ngẫu nhiên, hoặc hậu duệ của một tổ tiên trong quá trình tiến hóa của loài người.

Tuy nhiên, không ít giả thiết cho rằng Rh- vốn không thuộc về bất cứ chủng tộc nào trên Trái đất mà do những sinh vật ngoài hành tinh sở hữu nguồn gene “chất lượng và thuần khiết” trao lại cho con người.

Gene đến từ... vũ trụ

Bên cạnh việc chia theo nhóm O, A, B và AB, máu còn được phân loại dựa trên yếu tố Rhesus (hay Rh) - loại kháng nguyên được tìm thấy trên các tế bào hồng cầu. Theo đó, nếu các tế bào có kháng nguyên thì chúng được coi dương tính với Rh (Rh+), và ngược lại thì âm tính (Rh-).

Tuỳ thuộc vào sự tồn tại của Rh mà các nhóm máu thông thường được viết thêm dấu cộng (+) hay trừ (-) trong tên gọi như nhóm máu A+ hay nhóm AB-. Theo nghiên cứu, hiện gần 90% dân số mang nhóm máu Rh+, trong khi O-, A-, B- và AB- được coi là các nhóm máu hiếm. Rh+ cực kỳ phổ biến, còn dấu vết Rh- lại tương đối mờ nhạt.


Chưa ai có thể lý giải nguồn gốc nhóm máu Rh-.

Điều khó hiểu về máu Rh- liên quan đến sự phổ biến đáng kinh ngạc của gene chi phối hình thành Rh- ở riêng loài người, trong khi không xuất hiện ở khỉ cùng 612 loài linh trưởng và phân loài được công nhận.

Xét trên phương diện di truyền học, loài người phải kế thừa các tổ hợp gene từ tổ tiên, ngoại trừ trường hợp đột biến. Đối với máu, các đặc tính di truyền được coi là cực kỳ ổn định và chính xác qua nhiều thế hệ. Điều này đặt ra câu hỏi: phải chăng có sự xuất hiện của “tổ tiên” mới trong quá trình tiến hoá của con người, khiến cái gốc ban đầu không còn được duy trì, từ đó tạo ra những biến thể máu khác biệt?

Nghiên cứu nổi bật nhất liên quan đến trường hợp phụ nữ có nhóm máu Rh- mang thai, trong khi đứa trẻ thuộc Rh+. Điều này khiến hệ miễn dịch của người mẹ sản sinh ra kháng thể chống lại dòng máu Rh+ của chính đứa con, biến dòng máu Rh- của người mẹ thành chất độc đối với bào thai.

Có nghĩa là, đứa bé dễ bị tấn công bởi chính kháng thể của người mẹ, giống như bạch cầu tiêu diệt virus gây bệnh. Nhiều chuyên gia phỏng đoán, sự “trái dấu” trên cùng một cơ thể sống cho thấy người mẹ có dấu hiệu muốn loại bỏ bào thai, và điều này nhiều khả năng xảy ra do sự không tương thích về gene có nguồn gốc từ những giống loài khác nhau, thậm chí không phải loài người.

Họ đưa ra giả định con người, ở một giai đoạn nào đó, đã kế thừa huyết thống Rh- của người ngoài hành tinh, hoặc các nhóm sinh vật chưa xác định nguồn gốc thông qua giao phối. Chính ADN kì lạ và cực kỳ hiếm đã khiến Rh- đột ngột xuất hiện trong quần thể người từ cách đây khoảng gần 40.000 năm trước theo một số ghi chép.

Điều thú vị là, nhóm máu hiếm này chỉ được truyền lại cho một số lượng hữu hạn cá thể, dường như có sự chọn lọc nào đó. Trên thực tế, các báo cáo khoa học chỉ ra rằng nhóm người mang máu Rh- thường có nhiệt độ cơ thể thấp, chỉ số thông minh cao hơn bình thường cùng khả năng ngoại cảm và một số khả năng siêu thường.

Dành cho người đặc biệt

Quan điểm Rh- đến từ vũ trụ hứng chịu nhiều chỉ trích gay gắt bởi lẽ cho đến nay chưa hề có bất cứ bằng chứng nào xác thực về sự sống ngoài Trái đất. Chưa hết, không ai chỉ ra được độ tin cậy của con số 40.000 năm - quá ngắn ngủi so với lịch sử phát triển loài người.

Việc người ngoài hành tinh đã dùng kỹ thuật gì để can thiệp vào gene người ở giai đoạn còn rất sơ khai, trước khi mã gene đã tiến hoá hoàn chỉnh để tạo nên con người hiện đại ngày nay, cũng khó hiểu. Kể cả khi có sự xuất hiện của việc chỉnh gene, vậy mục đích cuối cùng của chúng là gì và tại sao người ngoài hành tinh chỉ gây ra biến đổi với máu của người? Quan trọng hơn, sinh vật ngoài vũ trụ có thể mang các đặc trưng sinh học và di truyền khác biệt hoàn toàn so với loài người Trái đất.


Một số giả định con người đã kế thừa huyết thống Rh- của người ngoài hành tinh.

Theo phỏng đoán, bộ gen ngoài vũ trụ không được xây dựng dựa trên vật chất di truyền là ADN, mà có thể cấu thành từ các hình thái dị biệt chưa từng xuất hiện ở Trái đất. Không tương thích về mặt di truyền khiến chuyện kết hợp gene để tạo ra Rh-, rồi tái tạo Rh- ở các thế hệ sau, là điều hoang tưởng.

Có vẻ như, Rh- xuất hiện là kết quả của trao đổi các gene từ chính con người trên Trái đất trong quá trình tiến hoá. Nhiều nghiên cứu chỉ ra nhóm máu hiếm này có thể liên quan đến người Basque thuộc đông bắc Tây Ban Nha. Người Basque sở hữu tỉ lệ bất thường của gene chi phối máu Rh- cao hơn bất cứ nhóm người nào trên thế giới. Nhiều bí ẩn về người Basque chưa được giải mã như nguồn gốc tổ tiên, hay ngôn ngữ không thuộc ngữ hệ Ấn-Âu mà do các chủng người cổ đại tạo ra.

Với các bằng chứng thu thập được trong gần một thập kỷ, giới chuyên gia cũng nghi ngờ nguồn gốc của Rh- liên quan đến Cro-Magnon - những con người hiện đại đầu tiên sống ở cuối thời kỳ đồ đá cũ ở châu Âu. Số khác phản biện, cho rằng máu Rh- xuất phát từ cư dân sinh sống ở vùng đất huyền thoại Hyperborea từ năm 450 TCN.

Họ là những người bất tử, sở hữu đôi mắt xanh, mái tóc vàng óng và sống an nhàn trong yên bình dưới sự cai trị bởi ba linh mục của thần Apollo. Kỳ lạ hơn, có ý kiến nhận định gene Rh- thực chất đại diện cho một nhánh người riêng biệt sinh sống ở châu Phi, trải qua quá trình di chuyển và giao phối với các nhóm người khác để đưa gene này vào máu, từ đó phát triển và truyền qua các thế hệ sau cùng với Rh+.

Chọn lọc tự nhiên

Trường phái thứ ba về nguồn gốc của... dấu trừ trong Rh- lập luận rằng nhóm máu này đơn giản chỉ là hệ quả của đột biến trong tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Theo đó, gene quy định máu Rh- chứa những lợi thế chọn lọc nhất định, vượt trội hơn những hệ quả mà nhóm máu này gây ra, thế nên cần phải được duy trì trong cộng đồng.


Có thể Rh- đơn giản chỉ là hệ quả của đột biến trong tiến hóa và chọn lọc tự nhiên.

Những hậu duệ mang trong mình Rh- cũng giống như bao người có Rh+, và chỉ vì họ ít hơn về mặt số lượng nên thường bị coi như nhóm khác biệt trong xã hội. Đây được xem là lý giải khả dĩ nhất dựa trên các bằng chứng, phân tích và nghiên cứu thời gian qua về các nhóm máu, phản ánh sắc sảo định luật dao cạo Occam: khoa học nên giải thích vạn vật theo cách “đơn giản nhất có thể”, không cần phức tạp hóa mọi chuyện.

Cũng cần lưu ý thêm rằng Rh- không phân biệt con người với nhau, không chỉ dành riêng cho một số nhóm đối tượng nào. Các gene quy định nhóm máu hiếm xuất hiện và dần hoàn thiện theo thời gian khi các cá thể phải tìm cách thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt hay nhiều nguy cơ bệnh tật.

Ví dụ như, gene quy định Rh- xuất hiện nhiều ở các nhóm người thuộc khu vực có nhiều loại ký sinh trùng như Toxoplasma.

Trên thực tế, những người mang gene Rh- có sức đề kháng tốt hơn với Toxoplasma - tác nhân có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Từ đây, nghe có vẻ hợp lý nếu chọn quan điểm “thích nghi” để giải thích sự phân bố các nhóm người có máu Rh- rải rác trên khắp thế giới, ở các môi trường sống khác biệt ít có liên hệ về mặt địa lý với nhau.

Chính sự thiếu thuyết phục của những giả thiết liên quan đến người ngoài hành tinh hay hậu duệ của một số nhóm người nhất định đã khiến giả thiết thích nghi và chọn lọc tự nhiên trở thành lời giải thích được chấp nhận nhiều nhất hiện nay.

Dù vậy, một số câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, đặc biệt là nguồn gốc thực sự của đột biến Rh- cùng các nhân tố tham gia quá trình bí ẩn này. Ngoài ra, lý do nào cho sự tồn tại của Rh- khi theo khoa học thì một cá thể đột biến sẽ nhanh chóng bị đào thải.

Điều này trái ngược với thực tế rằng người mang nhóm máu hiếm Rh- lại sống bình thường, và có thể tiếp tục duy trì gene này qua nhiều thế hệ. Giới khoa học cũng cần làm sáng tỏ mối liên hệ giữa các nhóm người có tỷ lệ gene Rh- cao bất thường ở các khu vực khác nhau, từ đó trả lời câu hỏi: liệu tất cả có xuất phát từ một hình thái đột biến duy nhất ban đầu hay không?

Cập nhật: 24/08/2020 Theo CAND
  • 52
  • 958