Bệnh nhân chạy thận thường tụt huyết áp, chuột rút, buồn nôn, nhức đầu; hiếm gặp hơn là phản ứng màng lọc loại phản vệ có thể gây ngưng tim, tử vong.
Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyễn Nghĩa, Trưởng Khoa Thận Lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết những biến chứng thường gặp trong chạy thận nhân tạo là tụt huyết áp chiếm 20-30%, chuột rút (5-20%), buồn nôn và nôn (5-15%). Khoảng 5% bệnh nhân nhức đầu, 2-5% đau ngực và một số ít ngứa, sốt ớn lạnh.
Hầu hết bệnh nhân cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc buồn nôn khi xảy ra tụt huyết áp. Một số bị chuột rút. Số khác có thể có triệu chứng kín đáo, chỉ có thể thấy được bởi nhân viên y tế quen thuộc với bệnh nhân, chẳng hạn mất tỉnh táo, cảm giác tối sầm. Ở một số bệnh nhân, không có triệu chứng nào cho tới khi huyết áp giảm cực thấp, rất nguy hiểm.
Để tránh tụt huyết áp, bệnh nhân không để tăng cân nhiều giữa hai lần chạy thận, lý tưởng là dưới một kg mỗi ngày. Nên hạn chế ăn muối vì ăn mặn sẽ gây khát nước, từ đó làm dư thừa cả muối lẫn nước và làm tăng cân nhanh và nhiều.
Bệnh nhân dễ tụt huyết áp trong lúc chạy thận nên tránh ăn ngay trước hoặc trong khi chạy thận. Ăn trong lúc chạy thận có thể thúc đẩy hoặc làm tăng nguy cơ tụt huyết áp. Nguyên nhân là do giãn các mạch máu ở hệ tiêu hóa, làm tăng dung lượng máu ở tĩnh mạch hệ tiêu hóa, làm máu đổ về tim kém hơn. Tác dụng trên huyết áp của thức ăn kéo dài khoảng 2 giờ.
Những người hay tụt huyết áp khi chạy thận nhân tạo nên tránh uống thuốc huyết áp trước chạy thận.
Nguyên nhân của chuột rút trong chạy thận nhân tạo hiện chưa rõ. Chuột rút thường xảy ra nhất liên quan đến tụt huyết áp, mặc dù chuột rút thường kéo dài dai dẳng sau khi huyết áp đã phục hồi đầy đủ. Chuột rút thường gặp ở tháng đầu của chạy thận hơn là giai đoạn về sau.
Phòng ngừa tụt huyết áp sẽ loại bỏ hầu hết chuột rút. Bài tập căng cơ, chương trình tập căng cơ dành cho nhóm cơ bị chuột rút có thể có ích.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo. (Ảnh minh họa: Lê Phương).
Buồn nôn và nôn xảy ra lên tới 10% trường hợp chạy thận thường quy. Ở bệnh nhân ổn định, hầu hết do tụt huyết áp. Đây cũng có thể có triệu chứng sớm của hội chứng mất cân bằng.
Để phòng ngừa, cần tránh tụt huyết áp trong lúc chạy thận. Triệu chứng dai dẳng không liên quan đến huyết động có thể giảm khi dùng các thuốc chống ói.
Nguyên nhân nhức đầu thường chưa rõ. Ở bệnh nhân có uống cà phê, nhức đầu có thể là triệu chứng của ngưng cà phê vì nồng độ cà phê giảm cấp tính trong lúc chạy thận. Với nhức đầu không điển hình hoặc quá nặng, có thể xem xét nguyên nhân thần kinh, đặc biệt là xuất huyết thúc đẩy bởi thuốc kháng đông.
Đau ngực nhẹ hoặc khó chịu ở ngực, thường ít nhiều có đau lưng kèm theo hiện không rõ nguyên nhân, không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu.
Ngứa đôi khi được thúc đẩy hoặc nặng lên do chạy thận. Ngứa xảy ra chỉ trong chạy thận, đặc biệt nếu có kèm các triệu chứng dị ứng nhẹ khác, có thể là triệu chứng của dị ứng mức độ nhẹ với màng lọc hoặc thành phần của dây chạy thận. Ngứa cũng có thể do viêm gan siêu vi hoặc do thuốc.
Đây là một nhóm các triệu chứng toàn thân và thần kinh thường liên quan đến các dấu hiệu đặc trưng trên điện não đồ, có thể xảy ra trong hoặc sau chạy thận. Triệu chứng sớm bao gồm buồn nôn, nôn, bứt rứt và nhức đầu. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm co giật, đờ đẫn và hôn mê.
Loại A (loại phản vệ)
Triệu chứng khó thở, cảm giác gần chết, nóng. Ngưng tim và thậm chí tử vong có thể xảy ra. Những trường hợp nhẹ hơn có thể chỉ có triệu chứng ngứa ngáy, mề đay, ho, hắt hơi, chảy nước mũi hoặc chảy nước mắt. Các triệu chứng tiêu hóa như đau quặn bụng hoặc tiêu chảy cũng có thể xảy ra. Triệu chứng thường bắt đầu trong vòng vài phút sau chạy thận, nhưng đôi khi có thể trong vòng 30 phút hoặc hơn.
Nguyên nhân thường là do phản ứng với ethylene oxide dư từ màng lọc, dịch lọc bị nhiễm bẩn, sử dụng lại màng lọc...
Phản ứng màng lọc loại B không đặc hiệu
Các triệu chứng chính của phản ứng loại B là đau ngực, đôi khi kèm theo đau lưng. Khởi đầu triệu chứng thường 20-40 phút sau khi bắt đầu chạy thận.
Rối loạn nhịp
Rối loạn nhịp trong chạy thận thường gặp, đặc biệt ở bệnh nhân đang dùng digitalis và bệnh nhân có bệnh mạch vành.
Chèn ép tim
Tụt huyết áp bất ngờ hoặc tái đi tái lại trong chạy thận có thể là dấu chứng của tràn dịch màng tim hoặc chèn ép tim sắp xảy ra.
Xuất huyết nội sọ
Bệnh lý mạch máu nền tảng và tăng huyết áp kết hợp với dùng heparin đôi khi có thể gây xuất huyết nội sọ, dưới màng nhện hoặc dưới màng cứng trong buổi chạy thận.
Co giật
Trẻ em, bệnh nhân có nồng độ urê máu cao trước chạy thận và bệnh nhân tăng huyết áp nặng là những người dễ co giật nhất trong chạy thận. Co giật có thể là một triệu chứng của hội chứng mất cân bằng.
Tán huyết
Tán huyết cấp trong chạy thận có thể là một cấp cứu nội khoa. Các triệu chứng gồm đau lưng, nặng ngực và khó thở. Nếu không phát hiện và xử lý sớm có thể gây yếu cơ, bất thường điện tâm đồ, ngưng tim.
Thuyên tắc khí
Thuyên tắc khí là một tai họa tiềm ẩn có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị nhanh chóng. Ở bệnh nhân ngồi, khí có khuynh hướng đi vào tĩnh mạch não mà không vào tim, gây tắc nghẽn đường về của tĩnh mạch não, gây hôn mê, co giật, thậm chí tử vong. Ở bệnh nhân nằm, khí có khuynh hướng đi vào tim, tạo bọt trong thất phải, đi vào phổi gây khó thở, ho, nặng ngực và loạn nhịp.
Mất thị lực và thính lực
Mù thoáng qua ở bệnh nhân tăng nhãn áp và mất thính lực do tràn nội dịch ở tai trong đã được báo cáo có xảy ra trong lúc chạy thận. Tụt huyết áp trong lúc chạy thận hoặc những biến cố mạch máu không liên quan cũng có thể làm biến đổi chức năng thị và thính giác.